Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng quý III/2017 đạt mức 7,46%, trong đó mức tăng trưởng so với quý II tăng thêm 1,13% so với quý I, quý III tăng thêm 1,18 điểm phần trăm so với quý II, GDP quý IV có khả năng đạt khoảng 7,31%. Do đó, khả năng đạt tăng trưởng GDP cả năm 2017 mức 6,7% là “trong tầm tay”. Điều này trái ngược hoàn toàn với dự đoán của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), khi ADB vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,3%.
Tăng trưởng ngoạn mục nhưng không ngoài dự đoán
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đình Ân khẳng định: Với mức tăng trưởng GDP quý III/2017 ở mức 7,46%, thì khả năng đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn có thể. TS Lê Đình Ân cho rằng, mức tăng trưởng Quý III tuy đột biến nhờ hai yếu tố: Tăng trưởng của khối FDI, trong đó đặc biệt là Samsung trong lĩnh vực điện thoại di động, linh kiện điện tử, sản xuất thép của Formosa; tăng trưởng xuất khẩu với 75% tỉ lệ tăng trưởng của các DN đầu tư nước ngoài. Từ những cơ sở này, không những chỉ đạt mức tăng trưởng 6,7%, thậm chí chúng ta có thể vượt ở mức 6,8% của năm 2017.
Nhấn mạnh về điều này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, không chỉ Samsung, mà còn có sự đóng góp của Formosa. Sản xuất kim loại trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 21,4%. Mặc dù mới đi vào sản xuất chưa lâu, nhưng Formosa sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô, doanh thu đạt 16,85 nghìn tỉ đồng, đóp góp vào tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Dương Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), “đòn bẩy” để mức tăng trưởng Quý III đạt mức ngoạn mục là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với đà tăng trưởng cao ở mức 16,63%, trong đó sắt thép thô tăng gần 40%, thép thanh, thép góc tăng 23,3%... Bên cạnh đó, các nhân tố khác cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng vượt kế hoạch, đặc biệt là xuất khẩu tăng vượt gấp 3 lần so với chỉ tiêu đề ra…
Ông Nguyễn Anh Dương - phụ trách Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) - cho hay: Bỏ qua câu chuyện về con số, nhìn chung về tăng trưởng trong quý III là khá nhanh, điều này phản ánh đà tăng trưởng phù hợp với tình hình kinh tế thế giới đang phục hồi tương đối thuận lợi. Hồi đầu năm tất cả chúng ta cũng chưa thể lường tới khả năng này. Tuy nhiên, con số 7,46% trong quý III hay 6,41% trong cả ba quý cũng chưa phải là cao so với con số tăng trưởng của Việt Nam trước thời gian khủng hoảng kinh tế (năm 2007). Nhiều năm qua, chúng ta quen với những con số tăng trưởng thấp bởi chúng ta tập trung tái cơ cấu bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời khi ấy nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Khi quay trở lại con số tăng trưởng cao thì nghĩa là ta đang quay trở lại đà phục hồi.
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: ĐẦUTƯ.VN
Cảnh báo từ tăng trưởng “nóng”
Tuy nhiên, TS Lê Đình Ân cũng tỏ ra lo ngại, mặc dù đầu tư của xã hội tăng rất mạnh, nhưng đầu tư của Nhà nước giảm. Như vậy, đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ và gia công. TS Lê Đình Ân cũng cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao Quý IV/2017, thì phải giải ngân vốn về đầu tư xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh, tăng trưởng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng, dựa vào sự tăng trưởng của khối DN FDI.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, tăng trưởng nhanh nhưng thực tế nhìn mức độ cải cách trong thời gian vừa qua ít nhiều vẫn chưa đạt so với kỳ vọng và so với mục tiêu chính sách. Thời gian tới có cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ hay nới lỏng tài khóa nữa hay không? Hay tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đạt được tăng trưởng 22% hay cân đối để hài hòa hơn nhằm giảm áp lực với lạm phát? Điều này ảnh hưởng tới câu chuyện cải cách giá cả trong năm tiếp theo.
Thứ hai, tăng trưởng nhanh như vậy nhưng vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, đây là vấn đề chúng ta đã nói nhiều năm nay và đã có chính sách để tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bài toán đặt ra là chúng ta tiếp tục duy trì cách làm như hiện nay để thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đạt được mức tăng trưởng nhanh, hướng tới đạt mục tiêu đề ra hay là chúng ta tiếp tục thể hiện quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế. Trên cơ sở ấy để hướng nhiều hơn về thị trường và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước gắn bó, đóng vai trò cao hơn trong sự tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi nhiều hơn từ xuất khẩu thì rõ ràng rất tốt. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng rất quan trọng. Trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có chuyển biến lớn mà lại có mức tăng trưởng nhanh nhờ cách làm cũ thì rõ ràng động lực và quyết tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ không cao.
Sản xuất, xuất khẩu kim loại và thép đạt mức tăng trưởng rất cao (21,4%) trong 9 tháng đầu năm 2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Phạm Xuân Hòe - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Để phấn đấu đạt tăng trưởng GDP vào các quý cuối năm 2017, Chính phủ đã “bật đèn xanh” để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng khoảng 21-22%. Tính đến cuối tháng 9.2017 tín dụng đã tăng 11,02%, như vậy room còn lại khoảng 10%. So dư nợ 6 triệu tỉ cuối năm 2016 thì việc tiếp tục bơm tiền từ kênh tín dụng cho nền kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 600 ngàn tỉ đồng. Nhiều chuyên gia cảnh báo cần rất thận trọng khi kích thích tăng trưởng GDP bằng kích thích tăng nhanh tín dụng. Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm này và vì những bài học cũ mà việc tăng tín dụng đã làm kinh tế Việt Nam trả giá đắt cho rủi ro lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô. Xin hãy thận trọng đừng để loại “bong bóng” chứng khoán và bất động sản này tái phát, và đừng để lần nữa quốc gia lại đau đầu về nợ xấu ngân hàng”.
Nguồn tin: Laodong