Thị trường đang có một số cảnh báo về nguy cơ dư cung của ngành thép, nhưng cổ phiếu ngành này vẫn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.
Khảo sát ở một số doanh nghiệp thép niêm yết cho thấy, các doanh nghiệp này khá tự tin về kết quả kinh doanh trong các tháng cuối năm.Hôm qua (22/9), diễn biến giao dịch của cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đáng chú ý khi tăng giá trần với khối lượng giao dịch lớn. Theo CTCK SSI, HPG là một ví dụ về cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và ở vùng giá hấp dẫn. Lợi nhuận quý III của HPG dự báo lạc quan do thị trường và giá thép đang thuận lợi.
Báo cáo cập nhật ngành thép của SSI mới đây lo ngại rằng, rủi ro của HPG là khi dự án mới đi vào sản xuất thì tổng công suất toàn ngành đã vượt cầu và dự án lò cao đòi hỏi khắt khe về đảm bảo trữ lượng quặng sử dụng thường xuyên.
Nhưng ông Dương cho biết, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát giai đoạn I, công suất 350.000 tấn/năm, dự kiến bắt đầu có sản phẩm vào tháng 11 năm nay, trước hết sẽ đáp ứng nhu cầu nội địa. HPG hiện đứng thứ 5 về thị phần thép xây dựng, trong đó phân phối 80% ở miền Bắc. HPG đã thành lập chi nhánh tại TP. HCM và Đà Nẵng, từng bước thiết lập hệ thống phân phối, chuẩn bị mở rộng thị trường tại hai miền Trung và Nam.
Chuẩn bị nguyên liệu cho Khu liên hợp, CTCP Đầu tư khoáng sản An Thông thuộc Tập đoàn đã hoạt động khai thác chế biến quặng sắt, với 2 mỏ trữ lượng khoảng 30 triệu tấn tại Hà Giang. Còn CTCP Năng lượng Hòa Phát chuyên luyện than cốc (co ke), công suất 350.000 tấn/năm giai đoạn I không chỉ cung cấp ổn định nguyên liệu cho Khu liên hợp, mà còn có thể cung ứng 1/2 sản lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Về dài hạn, với lợi thế nguồn quặng sắt và than cốc ổn định lâu dài, khi Khu liên hợp vận hành tốt, giá thành thép Hòa Phát sản xuất từ nguyên liệu quặng sắt thượng nguồn sẽ rất cạnh tranh, có thể hướng đến xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực ông Dương nói.
Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Rồng Việt ngày hôm qua, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC cho biết, HĐQT đã đặt ra mức phấn đấu lợi nhuận năm nay sẽ không thấp hơn mức đạt được của năm 2008 trong điều kiện chung là nhu cầu tiêu thụ thép vẫn tốt. Để thực hiện mục tiêu này, SMC phấn đấu quý IV đạt 20 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo ông Anh, trong ngành phân phối thép, sự cạnh tranh rất lớn. Nhiều nhà phân phối sẵn sàng giảm giá bán, chấp nhận mức lời thấp để giành khách hàng. "Lợi nhuận của công ty phân phối như SMC chủ yếu là nhờ 'lướt sóng' thép, nếu dự báo giá xuống thì bán trước, giá lên thì mua trước", ông Anh nói. Vòng quay hàng tồn kho của SMC hiện là 20 ngày, với sản lượng tiêu thụ 35.000 tấnltháng. Số ngày hàng tồn kho này cao hơn trước kia khá nhiều.
Đối với cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), SSI lo ngại sẽ có sự cạnh tranh của Nhà máy thép cán nguội Posco đi vào hoạt động từ tháng 9/2009. Nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, Posco không phải là đối thủ cạnh tranh của HSG.
Không những thế, HSG còn ký hợp đồng mua sản phẩm của Posco, thay thế nhập khẩu để chủ động về độ dày mỏng của sản phẩm cần cho sản xuất. Công suất nhà máy thép cán nguội của HSG hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Với nhu cầu của thị trường hiện nay, điều HSG lo lắng nhất là cúp điện, vì cúp điện sẽ làm giảm công suất, giảm sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận trong tháng.
Trên thị trường OTC, cổ phiếu Thép Pomina có tính thanh khoản khá cao. Cổ phiếu Thép Định Vũ tăng giá trở lại, đạt 15.000 đồng/cp. Dù lỗ lũy kế còn lớn, nhưng Thép Định Vũ đã có lãi trở lại từ tháng 6 và đối tác nước ngoài mua phần vốn lớn đã tham gia vào quản trị điều hành Công ty.