Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính báo cáo tình trạng thép cán nguội kém chất lượng tràn vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Trong khi đó, tổng sản lượng sản xuất trong nước đã gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trung bình.
Đại diện cho các doanh nghiệp thép đề nghị cơ quan chức năng xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ thép sản xuất trong nước.
Thép ngoại tràn ngập
Thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/11/2009, số lượng thép cán nguội nhập về Việt Nam đã lên tới 62 vạn tấn với giá trị trên 300 triệu USD. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, đây là con số nhập khẩu cực kỳ lớn, gấp tới gần 4 lần lượng thép bán ra của các công ty thép trong nước.
Khi thép nhập khẩu từ một nước chiếm trên 3% tổng thép nhập khẩu vào Việt Nam thì có thể áp dụng biện pháp thuế tự vệ |
Ông Phạm Chí Cường cho biết thêm, các loại thép nhập khẩu chủ yếu là thép thứ phẩm, phi tiêu chuẩn, loại khổ hẹp nên kém chất lượng hơn. Trong khi sản phẩm trong nước là thép chính phẩm, cán nguội khổ rộng, theo đúng tiêu chuẩn cơ sở, nhưng giá cao hơn nên không thể cạnh tranh nổi với loại thép nhập.
Dựng hàng rào kỹ thuật?
Thực tế này khiến VSA một lần nữa lại phải có văn bản “cầu cứu” đến các cơ quan quản lý chức năng. Trong đơn, VSA đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng, không để các công ty tận dụng ưu đãi này nhập chủng loại thép cán nguội mà trong nước vốn đã dư thừa. Hải quan cần ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan nhằm tránh tình trạng nhập vào ồ ạt với số lượng lớn, gian lận thương mại.
Đặc biệt, VSA đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét, hướng dẫn các công ty thép trong nước thu thập số liệu và chứng cứ để có thể tiến hành các biện pháp tự vệ thương mại. Bản phụ lục của WTO cũng quy định rõ: “Khi sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài gây ảnh hưởng hoặc khiến cho các doanh nghiệp sở tại ở quốc gia đó có nguy cơ bị phá sản, thì Chính phủ nước đó có quyền áp dụng các chính sách để bảo vệ hàng hóa trong nước, cụ thể là các công cụ thuế và dựng lên hàng rào kỹ thuật”. Chiếu theo quy tắc trên, Việt Nam có quyền sử dụng công cụ thuế hoặc xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các sản phẩm thép sản xuất trong nước. Theo Pháp lệnh về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thì khi thép nhập khẩu từ một nước chiếm trên 3% tổng thép nhập khẩu vào Việt Nam thì có thể áp dụng biện pháp thuế tự vệ.
620.000 tấn thép ngoại đã được nhập khẩu vào Việt Nam tính đến 30/11/2009 |
Được biết, không chỉ ở Việt Nam, tình trạng thép giá rẻ xâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới khiến các nước này gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng nội địa. Để đối phó, Mỹ đã áp dụng chính sách đánh thuế, EU cũng quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm sắt, thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… đã đối phó bằng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, kể cả biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước.
(DĐ DN)