Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tuần 14/2018: Dự báo xu hướng thép TQ

 Giá thép Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi trở lại những ngày cuối tháng nhờ tâm lý thị trường khởi sắc và sức mua cải thiện. Căng thẳng thương mại Trung Quốc –Mỹ hạ nhiệt sau các cuộc đàm phán hai bên đã giúp vực dậy tâm lý ngành thép. Thị trường cũng đang tiến gần tới mùa tiêu thụ cao điểm nên giá cả sẽ nhanh chóng phục hồi thời gian tới.

THÉP DÀI

Giá vẫn suy yếu nửa đầu tuần này do sức mua chậm chạp, tâm lý các nhà đầu tư suy yếu trước quan ngại căng thẳng hai nước Trung Quốc – Mỹ bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, ai nước đã tiến hành đàm phán, với các quan chức Nhà Trắng yêu cầu Trung Quốc cắt giảm thuế quan cho xe hơi nhập khẩu, cho phép các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài chiếm đa số và mua thêm chất bán dẫn do Mỹ chế tạo. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay sẽ duy trì các thỏa thuận thương mại và giảm tiếp cận tới các doanh nghiệp Mỹ. Tâm lý thị trường theo đó cũng phục hồi, giúp giá cả tăng lại những ngày cuối tháng song chưa đủ sức vực giá về mức cuối tháng 2.

Giá thép cây giao ngay trong tháng 3 đã giảm 450 NDT/tấn so với hồi cuối tháng 2, xuống còn 3.775-3.805 NDT/tấn. Giá giảm mạnh do sức mua chậm chạp sau tết dẫn tới hoạt động bán tháo của thương nhân. Sức mua phục hồi chậm trong năm nay sau tết khiến tâm lý thị trường suy yếu, kéo giá thép cây kỳ hạn tháng 5 giảm mạnh xuống mức thấp 9 tháng. Tồn kho thép cũng liên tục gia tăng sau tết cộng với sự mập mờ về chính sách thuế quan Mỹ là những yếu tố chính gây sức ép lên giá.

Sản lượng thép thô vẫn gia tăng 2 tháng đầu năm dù Trung Quốc áp dụng cắt giảm sản lượng trong giai đoạn 4 tháng (15/11/2017-15/3/2018) trong khi sức mua chậm chạp. Điều này đẩy tồn kho thép cây tăng lên mức cao. Tồn kho trong ngày 16/3 đã leo lên mức cao nhất tính từ tháng 4/2013 trước khi giảm lại xuống còn 9.5 triệu tấn.

Thị trường nội địa sụt giảm mạnh khiến người mua ngoài nước hoang mang và rút lui. Các nhà máy cũng phải giảm giá chào bán và liên tục ngưng chào để chờ tình hình rõ ràng hơn. Sự kéo dài thời gian công bố chính sách thuế quan Mỹ cũng khiến tâm lý thị trường xuất khẩu lo lắng, dẫn tới hoạt động giao thương trì trệ. Việc Mỹ chính thức áp thuế 25% lên thép nhập khẩu cũng khiến thị trường gần cuối tháng lần nữa suy sụp trước khi sức mua cải thiện.

 Các nhà máy thép cây đã giảm giá chào xuống 30-40 USD/tấn trong tháng 3, còn 530-540 USD/tấn FOB cho thép cây giao tháng 5 và 6.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tiêu cực thì thị trường đã gần tiến vào mùa tiêu thụ cao điểm từ tuần tới. Với điều kiện thời tiết cải thiện và sức mua bị gián đoạn thời gian dài thì hứa hẹn tháng tới sẽ sôi nổi. Các nhà thầu sẽ tăng tốc thúc đẩy dự án cho kịp tiến độ, tăng thu mua thép, song các nhà máy cũng sẽ gia tăng công suất để kiếm lời vì hết thời gian cắt giảm sản xuất.

Tuy nhiên, Chính quyền Bắc Kinh cũng thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 30 triệu tấn thép và 150 tấn than trong năm nay. Chính phủ đang rất kiên quyết trong việc cắt giảm thép, hoàn thành sớm mục tiêu cắt giảm giai đoạn 2016-2020  vào năm nay.

Do đó, dự báo giá chào bán tăng lại về gần 600 USD/tấn FOB trong tháng 4 và 5 trước khi suy yếu trở lại từ cuối tháng 5 do tiến gần vào hè là mùa tiêu thụ thấp điểm. Nguồn cung thép lúc này cũng đầy đủ hơn sẽ gây áp lực cho giá trong khi cạnh tranh tại thị trường Châu Á tăng dựa vào việc cấm cửa từ Mỹ. Hiện tại chỉ có Hàn Quốc là nước duy nhất Châu Á được miễn thuế quan 25% Mỹ.

THÉP DẸT

Tương tự, thị trường thép công nghiệp cũng suy yếu trước áp lực tiêu thụ chậm chạp, tâm lý thị trường suy yếu và vấn đề căng thẳng thương mại.

So với cuối tháng 2, giá giao ngay HRC Q235 5.5mm tại Thượng Hải mất gần 350 NDT/tấn. Giá giảm chậm hơn thép cây 100 NDT/tấn nên đã phục hồi lại vị thế so với mặt hàng này sau khi thấp hơn tháng trước đó.

 Giá trong nước giảm mạnh cũng kéo giá xuất khẩu giảm hơn 20 USD/tấn. Chào giá HRC thương phẩm giảm xuống 580-585 USD/tấn giao tháng 5 và 6 song người mua yêu cầu giá thấp hơn 10-15 USD/tấn.

Thị trường còn chờ đợi số liệu tồn kho nên sức mua còn suy yếu song đã có người hỏi mua vào cuối tháng so với sự im ắng nửa đầu tháng vì đã gần tiến vào mùa cao điểm tiêu thụ thép.  

Trong tháng 4, sức mua phục hồi sẽ giúp giá cả tăng lại song sẽ có biến động dựa vào yếu tố nguồn cung bắt đầu gia tăng sau khi các nhà máy đã hoàn thành cắt giảm công suất. Giá tăng và biến động trong khoảng 600-610 USD/tấn FOB cho tới tháng 5 trước khi giảm lại về cuối tháng tới tháng 6.

Tháng cuối Q2 thường có giá suy yếu vì thời tiết bắt đầu nắng nóng mưa nhiều cản trở các hoạt động xây dựng. Sở dĩ giá tăng mạnh hồi năm ngoái là do chính sách loại bỏ lò cảm ứng. Do đó, giá năm nay dự báo giảm xuống về tầm 570-580 USD/tấn FOB.

SẢN LƯỢNG THÉP THÔ

Sản lượng thép thô của các thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc trong 10 ngày đầu tháng 3 đạt mức trung bình 1.732 triệu tấn/ngày, giảm 7.8% so với cuối tháng 2. Sản lượng sụt giảm sau khi tăng 4.4% vào cuối tháng 2 so với giữa tháng 2. Tuy nhiên, mức trung bình hàng ngày trong 10 ngày đầu tháng 3 vẫn cao hơn 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số nguồn tin không nghĩ sản lượng thép giảm nhiều vào đầu tháng 3 đến vậy  và thậm chí còn nghi ngờ tính chính xác của số liệu. Một chuyên gia phân tích tại Thượng Hải đã dự báo sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ vào đầu tháng 3 do cắt giảm sản xuất được tăng cường trong điều kiện thời tiết xấu của tháng 3. Tuy nhiên giảm gần 8% là quá nhiều và nếu đứng như vậy thì thị trường thép lẽ ra không suy yếu nhiều.

Tuy nhiên, sản lượng thép giảm vì các nhà máy thép nằm ngoài các khu vực cắt giảm mùa đông - còn được gọi là '2 + 26 thành phố' - đã bắt đầu "kiểm soát sản xuất thép của họ "kể từ đầu tháng 3 do không đủ đơn đặt hàng, nhằm hỗ trợ giá xuất xưởng của họ. Do đó, sản lượng thép tháng 3 giảm song sẽ bắt đầu tăng lại kể từ tháng tới do vào mùa cao điểm. Sản lượng tháng 3 cả nước dự báo tầm 62-63 triệu tấn.

QUẶNG SẮT

Giá thép giảm mạnh trong tháng đã bắt đầu gây áp lực cho thị trường nguyên liệu thô, kéo giá các mặt hàng giảm theo.

Nửa đầu tháng 3, các nhà máy phía bắc vẫn chưa hết thời hạn cắt giảm sản xuất nên tiêu thụ quặng giảm. Bên cạnh đó, giá thép giảm mạnh nên các nhà máy cũng hạn chế sản xuất, làm giảm lượng quặng tiêu thụ, dẫn tới tồn kho gia tăng. Tồn kho quặng tại Thượng Hải đã tăng lên hơn 160 triệu tấn, mức cao kỷ lục và gấp đôi cuối năm 2015.

Giá trong tháng 3 liên tục biến động và giảm xuống dưới 70 USD/tấn. So với tháng 2, giá quặng giao ngay cuối tháng 3 này giảm hơn 10 USD/tấn xuống còn 63.12 USD/tấn ngày cuối tháng.

Trong năm 2018, Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục thực hiện cắt giảm sản lượng thép thô xuống thêm 30 triệu tấn, cũng sẽ gây áp lực cho giá quặng. Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn giá tháng 4-tháng 5 tới tăng vì đang bước vào mùa xây dựng cao điểm và các nhà máy cũng đã hoàn thành chính sách cắt giảm ở phía bắc trừ vài thành phố vẫn tiếp tục, nên các nhà máy sẽ tăng công suất để kiếm lời và tăng tiêu thụ quặng, hỗ trợ giá.

Giá tăng lên lại 70-72 USD/tấn trong tháng 4.

KẾT LUẬN

Giá thép dự báo tăng trong gần 2 tháng tới nhờ:

· Sức mua tăng trở lại vào mùa cao điểm của ngành xây dựng sau khi bị gián đoạn lễ và mùa đông.

·  Đầu cơ.

·  Giá nguyên liệu thô tăng.

· Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chính phủ.

·Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục chính sách cắt giảm nguồn cung trong nước để hoàn thành sớm mục tiêu cắt giảm 3 năm.

· Căng thưởng thương mại Trung Quốc –Mỹ hạ nhiệt nên tâm lý thị trường cải thiện.

· Các nhà máy sẽ liên tục tăng giá để kiếm lời vào mùa cao điểm, bù lại sự thua lỗ tháng sau tết.

Tuy nhiên, giá vẫn bị áp lực từ:

·  Tồn kho gia tăng do các nhà máy bắt đầu tăng công suất kiếm lời.   

 · Người mua kháng cự khi giá tăng quá cao.

· Áp lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gia tăng sau khi Trump áp dụng thuế 25% cho tất cả hàng nhập khẩu.

Do đó, dự báo giá vào tầm 600-610 USD/tấn FOB vào tháng 4 và nửa đầu tháng 5.

Giá suy yếu lại vào cuối Qúy 2 do gần tiến vào mùa tiêu thụ thấp điểm trong hè, sản lượng gia tăng trở lại sau khi các nhà máy hoàn thành cắt giảm công suất. Giá trở lại về tầm 560-580 USD/tấn FOB.

Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.

Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.