Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tuần 15/2019: Dự báo xu hướng thép TQ

 Giá thép nội địa Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhờ sức mua cải thiện ở thị trường giao ngay. Tâm lý thị trường cũng lạc quan với giá giao kỳ hạn tăng liên tục và nguyên liệu thô tăng mạnh. Tuy nhiên, người mua cũng tỏ ra e dè do giá thị trường tăng nhanh, dẫn tới nhu cầu có chút chậm lại dần về cuối tuần.

THÉP DÀI

Các khu vực sản xuất trọng điểm Trung Quốc tiếp tục các chính sách cắt giảm sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Chính Phủ. Các nhà máy thép ở 2 thành phố sản xuất thép chính của Trung Quốc là Đường Sơn và Hàm Đan đã được lệnh tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý thứ hai do vấn đề khói bụi.Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, các nhà máy ở Đường Sơn và Hàm Đan được yêu cầu giảm 20% sản lượng lò cao của họ. Điều này hỗ trợ tâm lý thị trường thép về nguồn cung thắt chặt.

Về mặt nhu cầu, một thương nhân kinh doanh thép có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: "Thị trường chứng kiến sự phục hồi nhu cầu thép của người dùng cuối cùng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Kết quả là, tồn kho tại các nhà máy thép đã giảm". Thời tiết Trung Quốc ngày càng trở nên ấm hơn, cho phép nhiều dự án xây dựng bị tạm dừng trong những tháng gần đây khởi động lại và những dự án mới được triển khai.

Các thương nhân nội địa cũng tăng cường thu mua trước cuối tuần (05/4) do diễn ra lễ Tết thanh minh. Hoạt động tiêu thụ sôi nổi nửa đầu tuần giúp tâm lý thị trường thép lạc quan cộng với giá giao kỳ hạn tăng.

Việc cắt giảm thuế VAT từ 16% xuống còn 13% đối với ngành chế tạo và các lĩnh vực khác kể từ ngày 01/4 không ảnh hưởng gì nhiều tới giá thép tuần này. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa  Mỹ và Trung Quốc có thêm bước tiến và hai bên đang hy vọng tiến gần hơn đến một thỏa thuận trong tuần này, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow cho biết.

Bloomberg cho biết, Mỹ muốn đặt mục tiêu năm 2025 cho Trung Quốc để đáp ứng các cam kết thương mại, trong khi tờ Thời báo Tài chính đưa tin Washington và Bắc Kinh đã tiến gần hơn đến thỏa thuận thương mại cuối cùng. Giá thép cây giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 31 nhân dân tệ lên 3.890 nhân dân tệ/tấn.

Tại Bắc Kinh, giá thép cây giao ngay tăng lên mức 4.100 NDT/tấn xuất xưởng có thuế, tăng 50 NDT/tấn so với cuối tháng 3. Trong khi đó, người mua ngoài nước vẫn tỏ ra thận trọng và áp lực từ các nguồn giá rẻ khác, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ buộc các nhà máy Trung Quốc giữ giá mức 510-520 USD/tấn FOB giao tháng 5 và tháng 6.

Nhìn chung, hoạt động xây dựng của Trung Quốc có thể sẽ "nóng" hơn trong Q2 so với cùng kỳ năm 2018, do sự kích thích của việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương mạnh mẽ hơn. Thép xây dựng, hiện đang chịu áp lực phục hồi sản xuất, sẽ có được một số hỗ trợ song song.

Trung Quốc đã phát hành 1.22 nghìn tỷ NDT (0.18 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương kể từ ngày 27/3/2019. Khối lượng trái phiếu dự kiến ​​sẽ đạt 1.4 nghìn tỷ trong 3 tháng đầu năm, nhảy vọt so với mức 218.5 tỷ phát hành cùng kỳ năm 2018, theo báo cáo của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc. Trái phiếu chính quyền địa phương phát hành trong quý đầu tiên của năm 2019 chiếm khoảng 45% khối lượng hàng năm 2019. Số dư dự kiến ​​sẽ được phát hành trong quý thứ hai và thứ ba.

Một thương nhân thép cho biết việc tăng tốc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ trực tiếp thúc đẩy xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng địa phương trong quý 2. Tuy nhiên, ông cho biết sản xuất thép cũng sẽ tăng trong tháng 4 sau khi việc cắt giảm sản lượng thép mùa đông kết thúc vào cuối tháng 3, vì vậy vẫn còn phải xem liệu phục hồi nhu cầu có thể vượt qua mức tăng sản lượng hay không.

Về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, diễn biến tích cực song còn nhiều bất ổn. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 05/3 rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ từ chối kí kết thỏa thuận nếu các điều khoản thương mại của Trung Quốc không phù hợp nhưng Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán. Hay như ông Darren Toh, chuyên gia phân tích dữ liệu tại công ty Tivlon Technologies có trụ sở tại Singapore cho biết mặc dù có một số dấu hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thị trường giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn không bớt căng thẳng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết nước nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2019 ở mức 6.0-6.5%, so với tăng trưởng năm ngoái là 6.6%, chậm nhất kể từ năm 1990.

Nhu cầu thép từ cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 4-tháng 5, do yếu tố mùa vụ và tăng tốc chi tiêu của chính phủ. Bên cạnh đó, các chính sách môi trường tiếp tục, mặc dù không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng như mong đợi nhưng củng cố tâm lý thị trường.  Tuy nhiên, giá cũng sẽ biến động do các động thái chốt lời và tâm lý còn e ngại của các nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ-Trung vẫn chưa dứt hắn. Dựa vào mùa tăng trưởng như thường lệ, Satthep.net dự báo giá thép cây sẽ tiến về 550 USD/tấn FOB trong tháng 4-tháng 5.

THÉP DẸT

Giá thép dẹt cũng tăng trưởng nhẹ nhờ sức mua cải thiện cũng như tâm lý thị trường khởi sắc. Trước đó, Bắc Kinh đã công bố chính sách trợ giá cho lĩnh vực hàng gia dụng, tới 800 NDT/tấn (118 USD/tấn)/mỗi đơn vị cho 15 loại thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài trong 3 năm. Lĩnh vực này tiêu thụ chính là CRC, thép mạ và thép silicon và chiếm 2% trong tổng tiêu thụ thép.

So với tuần đầu tháng 4, HRC Q235 5.5mm giao ngay tăng 80 NDT/tấn lên 3.980 NDT/tấn xuất xưởng có thuế. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, các nhà máy giữ nguyên giá chào 535-540 USD/tấn FOB. Mức này cũng được cho là ổn định so với tháng trước. Các khách hàng Việt Nam tiếp tục chờ công bố giá mới của Formosa Hà Tĩnh dự kiến vào tuần tới.

Dựa vào nhu cầu tiêu thụ được dự báo cải thiện trong ngắn hạn tới sẽ hỗ trợ giá tăng trưởng nhưng mức tăng còn hạn chế do đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó có thể đạt được thỏa thuận sớm cũng như các áp lực từ nền kinh tế suy yếu, tầm 10-15 USD/tấn lên khoảng 550-555 USD/tấn FOB trong tháng 4-tháng 5 cho HRC SS400.

SẢN LƯỢNG

Sản lượng thép thô tại các thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc vận hành trung bình 1.835 triệu tấn/ngày trong khoảng thời gian từ 20 đến 31/3, giảm 3.56% so với giữa tháng 3 và cao hơn 2.73% so với năm ngoái. Điều này theo sau mức tăng 0.95% vào đầu tháng 3.

Sản lượng giảm cho thấy sự hạn chế nghiêm ngặt trong một hội nghị chính phủ hàng năm vào tháng 3, một nguồn tin cho biết. Một thương nhân khác cho biết hạn chế sản xuất nghiêm trọng sau thời kỳ cắt giảm mùa đông ở thành phố Vũ An cũng làm giảm sản lượng thép.

CISA ước tính rằng tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc vào cuối tháng 3 trung bình đạt 2.38 triệu tấn/ngày, giảm 2.26% so với giữa tháng 3 và tăng 2.87% so với năm ngoái.

CISA báo cáo rằng trữ lượng thép thành phẩm tính đến ngày 31/ 3 giảm xuống còn 11.63 triệu tấn, giảm 16.1% so với ngày 20/3, minh họa cho nhu cầu thép hạ nguồn mạnh hơn. Một thương nhân nhận xét đây là hiệu suất mùa cao điểm truyền thống, trong khi tốc độ của việc tiêu thụ sẽ chậm lại với giá thép tăng.

Các khu vực sản xuất trọng điểm Trung Quốc tiếp tục các chính sách cắt giảm sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Chính Phủ. Các nhà máy thép ở 2 thành phố sản xuất thép chính của Trung Quốc là Đường Sơn và Hàm Đan đã được lệnh tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý thứ hai do vấn đề khói bụi.Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, các nhà máy ở Đường Sơn và Hàm Đan được yêu cầu giảm 20% sản lượng lò cao của họ. Tuy nhiên, tháng 4 là mùa tiêu thụ cao điểm nên các nhà máy vẫn sẽ họa động hết công suất để kiếm lời. Do đó, sản lượng tháng 4 vẫn dự báo tăng trưởng 3-4%.

QUẶNG SẮT

Giá quặng sắt tăng do xuất khẩu sụt giảm từ Braxin và Úc trong bối cảnh nhu cầu tăng tại Trung Quốc cho thấy nguồn cung nguyên liệu thô sản xuất thép đang thắt chặt.

"Một số nhà máy thép ở miền Bắc Trung Quốc đang gia tăng sản lượng. Và với những hạn chế sản xuất trong mùa đông đã được dỡ bỏ, thị trường sẽ ghi nhận thêm nhu cầu về quặng sắt trong tương lai gần", một thương nhân Trung Quốc nhận định..

Do nhu cầu quặng sắt của các nhà máy thép đang gia tăng, nguồn cung gián đoạn từ Brazil và Australia dấy lên những lo ngại trên thị trường. Thị trường quặng sắt toàn cầu đang phải đối mặt với thâm hụt trong năm nay do nguồn cung dự kiến từ công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới - Vale SA giảm. Thêm vào những lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, các công ty sản xuất quặng sắt lớn nhất ở Úc đã hạ ước tính lượng hàng xuất khẩu của họ trong năm nay sau khi một cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào cuối tháng 3.

Do đó, giá quặng sắt hàm lượng 62% giao ngay của Trung Quốc tiếp tục tăng lên 93.60 USD/tấn vào tuần này, tăng 1 USD/tấn so với tuần trước sau khi đã tăng tới 6 USD/tấn.

Nhà môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết, nguồn cung quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc thắt chặt, trong bối cảnh nhập khẩu vào nước này chậm lại, sẽ hỗ trợ giá trong ngắn hạn, ngay cả khi nhu cầu suy giảm. Giá đã phá vỡ mốc 90 USD/tấn nhưng một khi vấn đề nguồn cung dịu lại sẽ kéo giá giảm lại về 85-88 USD/tấn về cuối tháng 4-tháng 5.

KẾT LUẬN

Những yếu tố nâng đỡ thị trường thép hiện tại gồm:

_Các chính sách giảm sản lượng vì vấn đề môi trường.

_Các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế như giảm thuế, nới lỏng tiền tệ, phát hành trái phiếu..

_ Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là quặng và phế.

_Các đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiến bộ tích cực.

_Tiêu thụ bước vào mùa cao điểm của ngành xây dựng.

_Tâm lý thị trường lạc quan, đầu cơ.

Thị trường cũng tồn tại áp lực từ:

_Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại.

_Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài và khó đạt tới thỏa thuận sớm.

_ Nhu cầu tiêu thụ có tăng trưởng theo mùa song chậm.

_Nguồn cung thép tăng, tồn kho gây áp lực.

_Trung Quốc giảm chi tiêu ngân sách cho các vấn đề hạ tầng để giảm nợ.

Dự báo

Chính phủ nước này đã tuyên bố nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như giảm thuế VAT, nới lỏng tiền tệ, phát hành trái phiếu…Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đang gia tăng với giá quặng ở mức cao, hỗ trợ giá thép. Nhu cầu tiêu thụ thường tăng vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, đàm phán thương mại Mỹ-Trung dự sẽ còn kéo dài và phức tạp, khó đi tới thỏa thuận sớm khiến thị trường bất ổn. Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và Chính phủ tập trung vào vấn đề môi trường, giảm nợ thay vì đầu tư xây dựng các dự án mới nên nhu cầu từ ngành xây dựng hạ tầng tăng hạn chế. Dự báo chung giá tăng trưởng vào tầm 10-20 USD/tấn lên khoảng 550-560 USD/tấn FOB trong tháng 4-tháng 5.

Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.

Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.