THÉP DÀI
Những động lực hỗ trợ thị trường thép xây dựng Trung Quốc dường như đã bắt đầu phát huy tác dụng với đà giảm chậm lại và còn có xu hướng đảo chiều tăng trong tuần qua. Thị trường thép phát ra tín hiệu lạc quan hơn với thông tin tích cực từ phía Chính Phủ về dự án xây dựng siêu đô thị mới Xiongan mà theo dự báo sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ thép lên, ngốn khoảng hơn 12 tới 14 triệu tấn hàng hóa mỗi năm nếu dự án được thực hiện trong 10 năm. Bên cạnh đó, giá than luyện kim tăng do thất thoát nguồn nguyên liệu sau trận bão Debbie càn quét qua nước Úc cũng có hiệu ứng tích cực tới thị trường thép. Như vậy, giá thép dường như sẽ phục hồi nhẹ lại trong tuần này (17-21/4) do các nhà sản xuất không muốn chịu lỗ từ chi phí đầu vào tăng cũng như thử nghiệm thị trường.
Trong tuần qua, giá thép cây liên tục giảm trong những ngày đầu tuần đúng như các nguồn tin dự báo do ảnh hưởng từ giá giao kỳ hạn suy yếu trong khi người mua vẫn chọn cách chờ đợi do hoang mang trước tình hình giá giảm theo từng ngày. Tuy nhiên, sang đến trưa ngày thứ năm, đà giảm giá thép cây đã chững lại và thậm chí có phần tăng nhẹ so với ngày trước đó nhờ các hoạt động thu mua sôi động hơn sau khi giá giao kỳ hạn và phôi thanh cùng tăng. Giá giao ngay thép cây HRB400 đường kính 18-25mm đạt mức 3.350 NDT/tấn xuất xưởng trọng lượng thực tế đã tính 17% VAT, tăng 25 NDT/tấn so với hôm thứ 4. Tuy nhiên, so với mức ngày đầu tuần (3.515 NDT/tấn ) thì giá vẫn theo xu hướng giảm (tầm 5%).
Tương tự, hợp đồng thép cây giao kỳ hạn mới nhất dành cho thép giao tháng 10 trên sàn SHFE trong ngày cuối tuần tăng lên mức 2.917 NDT/tấn, tăng 0.8% so với hôm thứ tư nhưng vẫn thấp hơn mức giá ngày đầu tuần.
Diễn biến giá thép cây tại thị trường Bắc Kinh trong tuần 10-14/4
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu diễn ra im ắng do kỳ nghỉ Lễ Phục sinh đang tới gần. Giá thép xuất khẩu hướng ứng theo giá thị trường trong nước với xu hướng giảm những ngày đầu tuần và ổn định trở lại vào ngày 13/4 tại mức 412 USD/tấn FOB Trung Quốc, giảm gần 3%.
Diễn biến giá thép cây xuất khẩu trong tuần 10-14/4
THÉP DẸT
Tương tự như thị trường thép dài, giá thép cuộn tiếp tục suy yếu trong những ngày đầu tuần hưởng ứng theo đà giảm của giá giao kỳ hạn. HRC Q235 5.5mm giao ngay tại thị trường Thượng Hải đã giảm 3 ngày giao dịch liên tiếp trước khi quay đầu tăng trở lại vào ngày 13/4, đạt mức 3.030 NDT/tấn xuất xưởng đã tính 17% VAT, tăng tầm 40 NDT/tấn so với ngày trước đó. Tuy nhiên, giá vẫn thấp hơn mức 3.215 NDT/tấn ngày thứ hai. Trong khi đó, tại sàn giao dịch kỳ hạn Shanghai Futures Exchange, hợp đồng mới nhất đối với thép giao tháng 10 chốt tại mức 3.030 NDT/tấn, cũng giảm so với tuần trước.
Diễn biến giá HRC tại Thượng Hải trong tuần 10-14/4
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu HRC lại không thể khởi sắc do nhu cầu tiêu thụ suy yếu đã buộc các nhà máy xuất khẩu HRC Trung Quốc cắt giảm giá chào bán xuống nữa trong tuần. Nhiều nhà máy lớn đã giảm giá chào xuống còn 432-433 USD/tấn FOB Trung Quốc đối với HRC SS400 và sẵn sàng đàm phán đối với các khách hàng đảm bảo mua đúng mức sản lượng của họ. Tuy nhiên, giá mua lý tưởng của các khách hàng vẫn thấp hơn nhiều giá chào bán, chỉ ở mức 430-440 USD/tấn FOB Trung Quốc là chủ yếu. Vài khách hàng Việt Nam còn chào mua ở mức thấp 420 USD/tấn CFR Việt Nam.
Diễn biến giá HRC xuất khẩu trong tuần 10-14/4
SẢN LƯỢNG THÉP THÔ
Sản lượng thép thô tại các xưởng thành viên của Hiệp Hội sắt thép Trung Quốc (CISA) trong giai đoạn 10 ngày cuối tháng 3 đạt mức trung bình 1.78 triệu tấn/ngày, tăng chỉ 0.9% so với giữa tháng nhưng chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2016. Tồn kho thép thành phẩm đạt mức tổng 13.2 triệu tấn trong ngày 31/3, giảm 7% so với ngày 20/3 nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 10%. CISA ước tính tổng sản lượng thép thô tại tất cả các nhà máy Trung Quốc vào cuối tháng qua đạt mức bình quân 2.26 triệu tấn/ngày, tăng 0.8% so với giữa tháng 3.
Như vậy, các số liệu về sản lượng thép cuối tháng 3 đã không thể hiện bất cứ sự cắt giảm công suất nào của các nhà máy nhưng theo các thành viên thị trường cho biết họ sẽ bắt đầu giảm sản xuất vào tháng 4 này do giá liên tục giảm.
Đà sụt giảm của thị trường thép cũng như khối lượng nhập khẩu cao tiếp tục gây áp lực tới giá quặng Trung Quốc. Giá nhập khẩu quặng sắt vào nước này đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 70 USD/tấn khô trong tuần qua tính từ đầu tháng 11 năm ngoái cho tới nay.
Trong ngày 13/4, giá quặng 62%Fe IODEX giảm còn 69 USD/tấn CFR Bắc Trung Quốc, mất 7.20 USD/tấn (9.4%) so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, giá than cốc Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng vọt trong tháng 4 này do nhu cầu than tăng mạnh cùng với nguồn cung than nước ngoài bị thắt chặt.
Giá than hôm 6/4 được giao dịch ở mức 89,45 USD/tấn, cao hơn so với cùng kỳ tháng trước 12,87%. Trước đó, giá than chạm mốc kỷ lục vào tháng 1/2011 đạt 139,05 USD/tấn và chạm đáy tháng 1/2016 ở mức 48,8 USD/tấn.
Giá thép, quặng cắt và than hôm 6/4
Giá than từ tháng 1/2016 đến tháng 4/2017
Việc trữ lượng than giảm mạnh ở mỏ tỉnh Sơn Đông và Hà Bắc đã khiến giá than tăng mạnh. Ngoài ra, giá than cốc của Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung từ Australia bị gián đoạn gây ra bởi trận bão Debbie ở bang Queensland.
Than ở bang Queensland chiếm 50% tổng lượng than cung ứng qua đường biển trên toàn cầu.Các nhà sản xuất thép và than cốc đang phục hồi sản xuất sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc vào giữa tháng Ba.
KẾT LUẬN
Theo các nguồn tin dự báo, xu hướng suy yếu của thị trường thép Trung Quốc về dài hạn có thể còn tiếp tục từ nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ thấp, nhưng nhờ các động lực hỗ trợ phát huy tác dụng nên giá có thể khởi sắc nhẹ trong tuần này.
Theo định giá thép hàng ngày từ Platts, Satthep.net dự báo giá thép Trung Quốc có thể tăng trở lại 1-2% trong tuần này.