Giá thép Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng 4 nhờ tiêu thụ phục hồi vì là mùa cao điểm truyền thống. Tuy nhiên, sức mua không mạnh như kỳ vọng và các bất ổn tiếp tục từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung khiến giá cả biến động trong phạm vi hẹp. Nước này cũng tiếp tục đẩy mạnh công suất sản xuất thép thô để kiếm lời trong mùa cao điểm sau khi mức sản lượng Qúy đầu năm lập kỷ lục.
THÉP DÀI
Thuế VAT cho ngành sản xuất trong nước đã được cắt giảm từ 16% xuống 13% từ đầu tháng 4 khiến nhu cầu tiêu thụ có phần chững lại vào đầu tháng. Hợp đồng thép cây chuyển sang kỳ hạn tháng 10 và cũng biến động trong tháng do tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư xoay quanh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng như nền kinh tế Trung Quốc.
Về kinh tế vĩ mô, số liệu cho thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6.4 % trong quý đầu tiên, đánh bại các ước tính trước đó và thúc đẩy cuộc tranh luận về việc liệu nền kinh tế cần các biện pháp kích thích hơn nữa. Môi trường nhu cầu đối với kim loại đang được cải thiện, Citigroup Inc cho biết vào đầu tuần này, với các thước đo như tín dụng mới và hoạt động sản xuất báo hiệu "bước ngoặt" trong tâm lý và hoạt động tăng trưởng của Trung Quốc.
Lợi nhuận thép cây nội địa Trung Quốc trung bình đạt 108.86 USD/tấn (731 USD/tấn) cho đến ngày 15/ 4, tăng mạnh 54% so với 70.53 USD/tấn (473 NDT / tấn). Lợi nhuận tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi nhu cầu thép mạnh và chi phí than cốc thấp hơn.
Bên cạnh đó, Mỹ-Trung đàm phán liên tục để hướng tới thỏa thuận sớm nhất. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin cho biết, hai nước đang đạt tiến triển trong đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phủ bóng lên tăng trưởng và tài chính toàn cầu. Theo thỏa thuận đang được đàm phán, Mỹ và Trung Quốc sẽ thành lập một "văn phòng giám sát" để theo dõi quá trình thực hiện.
Ông cũng cho biết hai nước đang thảo luận có nên tổ chức thêm nhiều cuộc gặp trực tiếp hay không. "Chúng tôi đang tiến rất gần đến vòng cuối rồi", Mnuchin nhận định. Gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tổ chức các vòng đàm phán tại Bắc Kinh và Washington.
Các khu vực sản xuất trọng điểm Trung Quốc tiếp tục các chính sách cắt giảm sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Chính Phủ. Các nhà máy thép ở 2 thành phố sản xuất thép chính của Trung Quốc là Đường Sơn và Hàm Đan đã được lệnh tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý thứ hai do vấn đề khói bụi.Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, các nhà máy ở Đường Sơn và Hàm Đan được yêu cầu giảm 20% sản lượng lò cao của họ. Điều này hỗ trợ tâm lý thị trường thép về nguồn cung thắt chặt.
Về mặt nhu cầu, một thương nhân kinh doanh thép có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: "Thị trường chứng kiến sự phục hồi nhu cầu thép của người dùng cuối cùng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Kết quả là, tồn kho tại các nhà máy thép đã giảm". Thời tiết Trung Quốc ngày càng trở nên ấm hơn, cho phép nhiều dự án xây dựng bị tạm dừng trong những tháng gần đây khởi động lại và những dự án mới được triển khai. Khối lượng các sản phẩm thép tồn kho tại các cảng Trung Quốc tiếp tục giảm nhưng chậm dần về cuối tháng 4. Khối lượng dự trữ thép thanh ở mức 6.73 triệu tấn và thép cuộn cán nóng ở mức 2.08 triệu tấn tính đến ngày 26/4.
Tuy nhiên, tiêu thụ trên thị trường giao ngay không tăng được như kỳ vọng. Tâm lý thị trường còn nhiều bất ổn dẫn đến giá giao kỳ hạn biến động và kéo theo giá giao ngay biến động trong phạm vi hẹp. Nguồn cung cũng tăng cao theo sự gia tăng công suất và các hạn chế sản lượng lỏng lẻo trong năm nay.
Sản xuất thép thô tại các thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc vận hành đạt trung bình 1.955 triệu tấn / ngày trong 10 ngày đầu tháng 4, tăng 6.56% so với cuối tháng 3 và cao hơn 4.21% so với năm ngoái. Sản lượng tăng sau khi giảm 3.56% vào cuối tháng 3.
Trong bối cảnh này, giá thép cây giao ngay tăng hơn 100 NDT/tấn so với cuối tháng 3 lên 4.100 NDT/tấn ( 609 USD/tấn) xuất xưởng vào cuối tháng 4. Giá xuất khẩu thép cây cũng tăng 10-15 USD/tấn lên 535 USD/tấn FOB giao tháng 5 và tháng 6 theo sự phục hồi của thị trường trong nước. Tuy nhiên, tại thị trường xuất khẩu, sức mua diễn ra chậm chạp và khá im ắng trong tháng 4 do chào giá Trung Quốc cao so với các nguồn cạnh tranh khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Malaysia..Bên cạnh đó, các khách hàng chính như Hồng Kông, Singapore cũng dường như có đủ nguyên liệu dự trữ vì các đơn hàng đặt mua trước đó đang được giao tới. Do đó, các nhà máy Trung Quốc gần như duy trì giá ổn định về cuối tháng.
Nhìn chung, hoạt động xây dựng của Trung Quốc có thể sẽ "nóng" hơn trong Q2 so với cùng kỳ năm 2018, do sự kích thích của việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương mạnh mẽ hơn. Thép xây dựng, hiện đang chịu áp lực phục hồi sản xuất, sẽ có được một số hỗ trợ song song.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn thận trọng về nhu cầu. Phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải vào ngày 14/ 4, Hu Andong, phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc cho biết ông thận trọng về thị trường năm nay, lưu ý rằng nó sẽ nguội sau khi đạt đỉnh. Ông cho biết chính sách của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản năm 2019 là "giá đất ổn định, giá nhà đất ổn định và kỳ vọng ổn định".
Thị trường đang dần bước vào mùa tiêu thụ chậm lại ở phía bắc cũng như mưa và thời tiết nắng nóng phía nam ảnh hưởng đến các hoạt động xây dựng ngoài trời. Bên cạnh đó, nguồn cung vẫn đang tiếp tục gia tăng trong khi tiêu thụ chậm lại sẽ đẩy tồn kho gia tăng, gây áp lực cho thị trường thép cây 2 tháng tới. Tuy nhiên, phía Chính phủ cũng sẽ liên tục tung ra các chính sách hỗ trợ thị trường, ít nhất là niềm tin thị trường nên dự báo giá cả sẽ còn biến động trong phạm vi hẹp trong tháng 5-tháng 6, tăng nhẹ về gần mức 550 USD/tấn FOB.
THÉP DẸT
Thị trường thép dẹt cũng tiếp tục tăng trưởng nhờ sức mua cải thiện cũng như tâm lý thị trường lạc quan về triển vọng ngắn hạn trong tháng 4. Tuy nhiên, sức mua không đủ mạnh và chậm hơn so với thị trường xây dựng nên giá cả cũng tăng chậm Trước đó, Bắc Kinh đã công bố chính sách trợ giá cho lĩnh vực hàng gia dụng, tới 800 NDT/tấn (118 USD/tấn)/mỗi đơn vị cho 15 loại thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài trong 3 năm. Lĩnh vực này tiêu thụ chính là CRC, thép mạ và thép silicon và chiếm 2% trong tổng tiêu thụ thép.
So với cuối tháng 3, giá giao ngay HRC Q235 5.5mm tăng nhẹ 20 NDT/tấn lên 3.975 NDT/tấn. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, các nhà máy tiếp tục giữ nguyên giá chào ở mức không đổi so với tháng 3, vào tầm 535-540 USD/tấn FOB giao tháng 6 cho HRC thương phẩm. Các khách hàng Việt Nam hứng thú hơn với việc mua hàng nội địa do thuận lợi về giao hàng, thanh toán.
Tiêu thụ thép thường chậm lại vào tháng 5 do các điều kiện thời tiết bất lợi. Do đó, niềm tin thị trường cuối tháng về triển vọng ngắn hạn suy yếu. Các nhà phân tích cũng cảnh báo sản lượng trong những tuần tới sẽ gia tăng, trong bối cảnh nới lỏng hơn các hạn chế sản xuất tại thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn, điều này có thể gây thêm áp lực giảm giá. Công suất sử dụng tại các nhà máy thép Trung Quốc đạt 70.03% trong tuần tính đến ngày 19/4/2019, cao nhất kể từ ngày 20/7/2018, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Tuy nhiên, các chính sách kích thích kinh tế dự kiến cũng được Chính phủ công bố rộng rãi trong thời gian tới, phần nào hỗ trợ tâm lý thị trường và tiêu thụ. Do đó, dự kiến giá cả tiếp tục biến động nhẹ trong tháng 5-tháng 6 và tăng nhẹ về cuối Q2 lên 550-560 USD/tấn FOB.
SẢN LƯỢNG
Ngành thép của Trung Quốc đã đạt được một kỷ lục sản xuất khác trong quý đầu tiên, được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhờ chính phủ kích thích tăng nhu cầu.
Nhà sản xuất một nửa thép trên thế giới đã sản xuất được 231 triệu tấn trong khoảng từ tháng 1- tháng 3, tăng gần 10% so với một năm trước đó và cao nhất trong bất kỳ quý đầu tiên nào được ghi nhận.
"Đó là một con số sản lượng thép cực kỳ mạnh mẽ", Tomas Gutierrez, một nhà phân tích tại công ty tư vấnKallanish Commodities Ltd cho biết qua điện thoại từ Thượng Hải. "Có kỳ vọng rằng chính quyền địa phương sẽ có nhiều tiền hơn để chi cho các dự án mới và điều đó dường như đang đẩy nhanh nhu cầu. Có sự phụ thuộc ngày càng tăng vào chi tiêu của nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng."
Wang Yilin, một nhà phân tích từ Sinosteel Futures cho biết trước khi dữ liệu được công bố, các nhà máy thép đã sẵn sàng tạo ra nhiều sản phẩm hơn để kiếm được lợi nhuận cao. Trong 3 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã sản xuất tổng cộng 231.07 triệu tấn thép, tăng 9.9% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu chính thức cho thấy. Chúng tôi hy vọng sản lượng thép sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới vì nhu cầu vẫn ổn định, Wang nói.
Tháng 4 là mùa tiêu thụ cao điểm nên dự báo các nhà máy vẫn sẽ họat động hết công suất để kiếm lời. Do đó, sản lượng tháng 4 dự báo tiếp tục tăng trưởng thêm 3-5% so với tháng 3 lên tầm 83-85 triệu tấn.
QUẶNG SẮT
Giá quặng tại Trung Quốc biến động mạnh trong tháng 4 do các vấn đề thắt chặt nguồn cung từ sự cố vỡ đập của Vale tại Braxin và điều kiện thời tiết bất lợi ở Úc.
Thị trường quặng sắt toàn cầu đối mặt với nguồn cung thiếu hụt khoảng 34 triệu tấn trong năm nay, Westpac Banking Corp cho biết. Sự thiếu hụt quặng sắt chịu ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập tại Braxin trong tháng 1/2019 đã hạn chế hoạt động sản xuất của công ty khai thác quặng sắt số 1 thế giới – Vale, Braxin. Ngoài ra lo ngại thiếu hụt do cơn bão nhiệt đới vào cuối tháng 3/2019 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty sản xuất quặng sắt lớn tại Úc, khiến doanh số xuất khẩu quặng sắt năm 2019 của nước này suy giảm. “Cơn bão nhiệt đới ảnh hưởng khu vực tây Úc vào cuối tháng 3/2019, khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn và các cảng bị phá hủy sẽ ảnh hưởng khoảng 25 triệu tấn quặng sắt”, Fitch Ratings cho biết.
Theo đó, giá quặng 62% Fe giao ngay đã tăng mạnh trong tháng 4 lên mức 93.14 USD/tấn về cuối tháng, tăng hơn 7 USD/tấn so với cuối tháng 3.
Theo nhà môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết, nguồn cung quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc thắt chặt, trong bối cảnh nhập khẩu vào nước này chậm lại, sẽ hỗ trợ giá trong ngắn hạn, ngay cả khi nhu cầu suy giảm.
Giá đã tiếp tục phá vỡ mốc 90 USD/tấn trong tháng 4 và sẽ còn duy trì ở mức cao trong tháng tới do các vấn đề nguồn cung gián đoạn. Tuy nhiên, Vale của Braxin có thể sẽ nối lại một số hoạt động để đảm bảo nguồn cung tăng trở lại trong 2 tháng tới, kéo giá giảm nhẹ lại về tầm 85-87 USD/tấn trong tháng 5-tháng 6.
KẾT LUẬN
Những yếu tố nâng đỡ thị trường thép hiện tại gồm:
_Các chính sách giảm sản lượng tiếp tục tại khu vực trọng điểm Hà Bắc.
_Các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế rộng rãi, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng.
_ Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là quặng và phế.
_Các đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp tục phát triển.
_Tiêu thụ thép tăng trưởng dựa vào việc nối lại các hoạt động xây dựng bị gián đoạn.
_Đầu cơ
_Dữ liệu kinh tế vĩ mô mạnh.
Thị trường cũng tồn tại áp lực từ:
_Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn rủi ro, bất ổn.
_Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài và khó đạt tới thỏa thuận sớm.
_ Nhu cầu tiêu thụ chậm dần do bước vào mùa mưa sắp tới.
_Nguồn cung thép tăng, tồn kho gây áp lực.
_Trung Quốc giảm chi tiêu ngân sách cho các vấn đề hạ tầng để giảm nợ.
Dự báo
Chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế dù báo cáo tăng trưởng GDP Q1 cao hơn kỳ vọng do nền kinh tế còn gánh nặng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và đang giảm tốc. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đang gia tăng với giá quặng ở mức cao, hỗ trợ giá thép. Tuy nhiên, do ngành xây dựng đang chuẩn bị bước vào mùa mưa nên hoạt động tiêu thụ dự chậm lại trong khi tâm lý giới đầu tư còn bất ổn do căng thẳng Mỹ- Trung khó đạt được thỏa thuận sớm. Do đó, giá biến động trong 2 tháng cuối Q2 và tăng nhẹ về mức 550 -560 USD/tấn FOB.
Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.
Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.
Lưu ý: Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.