Giá tiếp tục giảm nhẹ do tâm lý thị trường tiêu cực về triển vọng tiêu thụ ngắn hạn, doanh số bán ra trên thị trường giảm trong khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng. Tuy nhiên, tâm lý giới đầu tư cũng được xoa dịu bởi niềm tin về các chính sách phát triển thị trường bất động sản của Chính phủ.
THÉP DÀI
Căng thẳng thương mại Trung-Mỹ gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt thuế quan khác đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nếu ông không thể đạt được thỏa thuận thương mại với chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 vào cuối tháng này. Điều này sẽ là triển vọng không mấy sáng sủa đối với nhu cầu thép trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, tiêu thụ cũng đang vào mùa thấp điểm do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tại khu vực phía đông làm ảnh hưởng các hoạt động xây dựng. Nguồn cung thị trường tăng cao , liên tục lập kỷ lục qua các tháng trong khi tiêu thụ chậm làm tồn kho gia tăng. Theo đó, thị trường giao ngay suy yếu với thép cây giảm 70 NDT/tấn so với tuần trước xuống 3.940 NDT/tấn xuất xưởng có thuế.
Tỉ suất lợi nhuận của các nhà máy cũng đang chịu áp lực do giá thép giảm còn giá nguyên liệu thô tăng vọt với quặng sắt 62% Fe vọt lên 100 USD/tấn. Giám đốc tại một công ty thép có trụ sở tại Sơn Đông cho biết, "một số công ty thép sẽ sớm thấy bảng cân đối kế toán của họ rơi vào tình trạng báo động đỏ nếu giá quặng sắt tiếp tục duy trì ở mức cao như vậy. Điều đó buộc các nhà máy phải giảm sản lượng".
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gặp áp lực nhiều hơn từ tiêu thụ chậm, cạnh tranh gay gắt, đồng NDT mất giá từ căng thẳng thương mại cũng như giá nội địa giảm. Các nhà máy chào bán tầm 500 USD/tấn FOB giao tháng 7 hoặc thậm chí thấp hơn.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn chưa hết lạc quan vì tin vào triển vọng tiêu thụ hạ nguồn từ lĩnh vực bất động sản. Nhà phân tích Hui Heng Tan thuộc Marex Spectron cho biết: “Nhu cầu thép từ lĩnh vực hạ nguồn (sản xuất và xây dựng) duy trì vững, số liệu xây dựng mới nhất phản ánh hoạt động xây dựng cải thiện”.
"Chúng tôi ước tính việc tăng thuế quan 25% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá trị xuất khẩu giảm 20% và Trung Quốc mất 0.5% GDP", ANZ cho biết.
"Chúng tôi tin Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều biện pháp kích thích hơn để bù đắp tác động của sự sụt giảm trong xuất khẩu của mình".
Tuần này, Trrung Quốc cũng công bố rằng họ sẽ cho phép chính quyền địa phương sử dụng trái phiếu đặc biệt làm vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, điều này sẽ đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhu cầu thép hạ nguồn. Đáp lại thông báo, hợp đồng thép cây giao tháng 10 được giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng 3.1% vào thứ ba.
Trung Quốc cho biết trong thông báo rằng họ sẽ khuyến khích chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính mở rộng nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn thông qua tài chính xã hội. Một số người theo dõi thị trường thép cho biết chính phủ trung ương đã nới lỏng các hạn chế vay tại chính quyền địa phương trong một nền kinh tế chậm lại, nhưng theo cách thận trọng để ngăn chặn nợ gia tăng. Tốc độ tăng trưởng của đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2019, nhưng nhìn chung là nhẹ.
Tuy nhiên, các nguồn tin dự kiến sẽ có thêm các gói hỗ trợ kinh tế trong nửa cuối năm 2019 để bù đắp bất kỳ tác động bất lợi nào từ căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. Họ cho biết Trung Quốc vẫn có đủ các công cụ tài chính và tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt là thông qua các cơ sở hạ tầng và bất động sản. Do đó, nhu cầu thép mạnh sẽ được đảm bảo, ít nhất là đến năm 2019.
Các khu vực sản xuất trọng điểm Trung Quốc cũng tiếp tục các chính sách cắt giảm sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Chính Phủ. Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, cho biết họ sẽ mở rộng biện pháp hạn chế sản xuất đối với ngành công nghiệp nặng đến cuối tháng 6 để cải thiện chất lượng không khí. Các nhà máy thép ở Đường Sơn phải giảm tới 50% công suất và thực thi các hạn chế sản xuất giống như trong mùa đông.
Nhìn chung, thị trường chịu áp lực từ nhu cầu thấp do bước vào mùa mưa, tâm lý thị trường suy yếu trước căng thẳng thương mại gia tăng, nguồn cung tăng cao dẫn tới tồn kho tăng Tuy nhiên, với niềm tin thị trường lạc quan về các biện pháp kinh tế cũng như sự tăng trưởng thị trường bất động sản có thể giúp giá phục hồi nhẹ vào 2 tháng tới lên 520-530 USD/tấn FOB.
THÉP DẸT
Nhu cầu tiêu thụ chậm, nguồn cung tăng trong khi lo ngại căng thẳng thương mại gia tăng cũng gây áp lực cho thị trường cuộn cán nóng trong tháng 5. Cuộn cán nóng, thép thành phẩm được sử dụng trong xe hơi và đồ gia dụng giảm nhẹ thêm 10 NDT/tấn so với tuần trước xuống 3.820 NDT/tấn xuất xưởng có thuế.
Giá cả gặp áp lực chính từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung tiếp tục gia tăng. Một số công ty đang tìm cách tăng sản lượng, sản xuất thép cấp thấp và sử dụng lò cảm ứng rẻ hơn nhưng gây ô nhiễm hơn, nhóm công nghiệp cho biết, đầu tư tài sản cố định vào nhà máy luyện kim và luyện kim loại đã tăng 30.6% trong quý đầu tiên.
Nhu cầu tiêu thụ xe hơi tiếp tục cho thấy sự chậm lại trong năm nay. Theo Shi Jianhua, phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết thị trường xe sẽ tiếp tục với tốc độ chậm trong năm 2019 với doanh số ô tô sẽ đạt 28.1 triệu chiếc vào năm 2019, sẽ không thay đổi so với năm ngoái. Trong tháng 1-tháng 3, sản lượng và doanh số xe đạt tổng cộng 6.33 triệu và 6.37 triệu chiếc, giảm 9.8% và 11.3% theo năm, dữ liệu do CAAM công bố cho thấy.
Nhu cầu về thép dẹt, chủ yếu cho sản xuất xe và máy móc, vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, các nguồn tin thị trường cho biết.
Thị trường xuất khẩu suy yếu do các nhà máy giảm giá để kích cầu trong khi cạnh tranh từ các nguồn khác trở nên gay gắt. Người mua ngoài nước thận trọng trước căng thẳng thương mại nên tiếp tục chờ đợi. Chào giá giảm xuống 500-510 USD/tấn FOB giao tháng 7, giảm 10-15 USD/tấn so với cuối tháng 5.
Tuy nhiên, các chính sách kích thích kinh tế dự kiến cũng được Chính phủ công bố rộng rãi trong thời gian tới, phần nào hỗ trợ tâm lý thị trường và tiêu thụ. Do đó, dự kiến giá cả tiếp tục biến động nhẹ và tăng nhẹ về về 520-530 USD/tấn vào tháng 7-tháng 8.
SẢN LƯỢNG
Sản lượng thép thô tháng 4 của Trung Quốc đạt 85.03 triệu tấn, tăng 12.7% so với năm ngoái, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố vào ngày 15/5 cho thấy. Sản lượng thép thô hàng ngày đạt trung bình 2.834 triệu tấn, tăng 9.4% so với mức trung bình trong tháng 3.
Trong tháng 1-tháng 4, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt tổng cộng 314.96 triệu tấn, tăng 10.1% so với năm trước.
Sản lượng thép thô tháng 4 nhảy vọt đã nằm trong dự đoán của thị trường, trong khi việc cắt giảm sản lượng thép mùa đông của Trung Quốc kết thúc vào cuối tháng 3, lợi nhuận tăng vọt, do nhu cầu nội địa mạnh, đặc biệt là từ lĩnh vực bất động sản, đã khuyến khích sản xuất thép Trung Quốc.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc có thể sẽ giảm nhẹ trong tháng 5, do các lệnh cắt giảm sản lượng nghiêm ngặt hơn áp dụng cho mùa không sưởi ấm tại trung tâm luyện thép của Trung Quốc, thành phố Đường Sơn. Tuy vậy, sản lượng thép thô của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức cao trong tương lai gần, do lợi nhuận khá cao từ cung cấp và nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực bất động sản. Mức sản lượng dự báo tầm 83-84 triệu tấn.
QUẶNG SẮT
Giá quặng tiếp tục vọt lên mức kỷ lục kể từ năm 2010, được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu tại các nhà máy thép tăng trong khi nguồn cung khan hiếm, dự trữ quặng giảm. Một số nhà sản xuất lớn đứng ngoài cuộc khi giá quặng sắt leo thang.
Nguồn cung quặng sắt từ Vale Braxin giảm có hiệu ứng tăng giá mạnh nhất, chủ yếu là do vụ vỡ đập chất thải của công ty Vale SA vào ngày 25/1 khiến công ty phải tạm thời đóng cửa một số mỏ.
Giá quặng giao ngay 62% Fe đã tăng vọt lên mức 102.76 USD/tấn tuần này. Trong 3 tháng gần đây giá cả đã tăng gần 13%.
Nhìn chung, giá đang tăng trưởng vì kì vọng nguồn cung sẽ không cải thiện trong nửa cuối năm nay. Trong khi nhu cầu quặng sắt có thể yếu đi vì chính quyền Trung Quốc tiếp tục thực thi các biện pháp chống ô nhiễm nghiêm ngặt, các yếu tố hỗ trợ giá vẫn còn nguyên vẹn với hi vọng Trung Quốc sẽ triển khai thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
"Các nhà quản lí Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế và giữ thanh khoản dồi dào trong hệ thống tài chính", Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết hôm 13/6. Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm công bố nhiều chính sách để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh áp lực thương mại từ Mỹ gia tăng.
Trong khi đó, Bộ Môi trường Trung Quốc đã triệu tập các nhà chức trách của 6 thành phố phía Bắc gồm cả Bảo Định và Lang Phường thuộc vùng sản xuất thép chính của tỉnh Hà Bắc để bàn về việc không đạt được mục tiêu giảm khói bụi trong mùa đông.
Khối lượng quặng sắt tồn kho tại các cảng Trung Quốc giảm xuống 121.6 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, theo SteelHome.
Giá dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao do các vấn đề nguồn cung. Tuy nhiên, các hạn chế sản lượng và tiêu thụ thép giảm dự sẽ kéo giá về lại 88-90 USD/tấn trong tháng 7-tháng 8.
KẾT LUẬN
Những yếu tố nâng đỡ thị trường thép hiện tại gồm:
_Các chính sách giảm sản lượng tiếp tục tại khu vực trọng điểm Hà Bắc.
_Các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế rộng rãi, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng.
_ Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là quặng và phế.
_Kỳ vọng Chính quyền tung ra chính sách kích thích kinh tế để xoa dịu căng thẳng thương mại.
_Đầu cơ
_Dữ liệu kinh tế vĩ mô mạnh.
Thị trường cũng tồn tại áp lực từ:
_Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn rủi ro, bất ổn.
_Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, gây bất ổn.
_ Nhu cầu tiêu thụ chậm dần do bước vào mùa mưa .
_Nguồn cung thép tăng, tồn kho gây áp lực.
_Trung Quốc giảm chi tiêu ngân sách cho các vấn đề hạ tầng để giảm nợ.
Dự báo
Chính phủ nước này sẽ còn tung ra nhiều gói hỗ trợ thị trường bất động sản, nâng đỡ ngành thép trong bối cảnh tiêu thụ chậm và áp lực từ căng thẳng thương mại Trung-Mỹ. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đang gia tăng với giá quặng ở mức cao, hỗ trợ giá thép. Do đó, giá dự báo biến động phạm vi hẹp tầm 20-30 USD/tấn, tăng trưởng nhẹ trong tháng 7-tháng 8 lên 520-530 USD/tấn FOB.
Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.
Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.
Lưu ý: Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.