Thị trường thép Trung Quốc tiếp tục suy yếu nhẹ do động thái bán tháo thép để chốt lời trên sàn giao kỳ hạn đã kéo giá thép giao kỳ hạn sụt giảm, ảnh hưởng tới giá giao ngay và gây áp lực cho các nhà xuất khẩu. Giá tiếp tục diễn biến bất ổn dù sức mua có cải thiện trong mùa tiêu thụ cao điểm.
THÉP DÀI
Hợp đồng thép cây giao kỳ hạn tháng 1/2018 tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, còn 3.792 NDT/tấn. Giá giao kỳ hạn sụt giảm do động thái bán tháo thép để chốt lời của các nhà đầu tư trên sàn kỳ hạn.
Sản lượng thép thô Trung Quốc vừa ghi thêm một kỷ lục mới 74.59 triệu tấn trong tháng qua, cho thấy các nhà máy đang hoạt động hết công suất để gia tăng sản lượng kiếm lời. Ngoài ra, do tháng 9-10 vốn là mùa tiêu thụ cao điểm của ngành xây dựng cộng với các chính sách cắt giảm sản lượng trong mùa đông tới đã thúc đẩy các nhà máy gia tăng sản xuất trước để dự trữ trước mùa đông. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung quá mức có thể tái diễn dù có chính sách cắt giảm, dẫn tới giá giao kỳ hạn sụt giảm.
Sức mua có tăng thể hiện qua tồn kho thép xây dựng của các thương nhân tăng lên mức cao 4.2 triệu tấn trong ngày 8/9 từ mức thấp 3.7 triệu tấn 7 tháng vào giữa tháng 7. Tuy nhiên, do giá chào bán ở ngưỡng cao nên sức mua không thực sự mạnh. Bên cạnh đó, lo ngại rằng sự thắt chặt kiểm soát ô nhiễm môi trường của Chính phủ thời gian tới sẽ làm giảm hoạt động xây dựng và tiêu thụ thép cây do kỳ họp Quốc hội khóa 19 đang tới gần.
Giá giao ngay thép cây HRB400 18-25mm tuần này tiếp tục biến động theo giá giao kỳ hạn nhưng nhờ giá tăng hôm thứ tư nên hiện ở mức 4.125-4.135 NDT/tấn (629-631 USD/tấn) xuất xưởng, nhích 20 NDT/tấn so với tuần trước.
Thị trường đang được hỗ trợ nhờ các tin tức cắt giảm sản lượng, tồn kho thấp, mùa tiêu thụ cao điểm, chỉ số PMI tháng 8 tăng và chỉ số niềm tin thị trường thép tháng 9 tăng nên giá chưa có biến động mạnh.
Với áp lực giá trong nước giảm, các nhà xuất khẩu hầu như giữ giá ổn định nhưng cũng có vài nhà máy giảm nhẹ giá chào xuống 5-10 USD/tấn. Chào giá phổ biến ở mức 560-580 USD/tấn FOB. Nhiều nhà máy đã ngưng chào bán để chờ xem xét xu hướng thị trường sắp tới. Người mua ngoài nước tiếp tục xa lánh nên tình hình thị trường rất im ắng. Trong khi đó, dự báo Trung Quốc đón cơn bão Talim được cho là mạnh nhất năm nay vào cuối tuần này sẽ khiến tiêu thụ thép chậm lại trong điều kiện thời tiết xấu, gây áp lực cho giá.
THÉP DẸT
Sau khi giá thép cuộn tăng vọt dựa vào sự cố nổ lò Bengang tuần đầu tháng thì tâm lý thị trường tới nay dần suy yếu và giá cũng giảm nhẹ trở lại. Tình hình thị trường hết sức im ắng do phần lớn người mua đều nghiêng về xu hướng chờ đợi. Giá tăng lên ngưỡng cao khiến họ hoang mang, lo ngại giá sẽ giảm trở lại trong khi diễn biến giá bất thường nên họ tránh đặt hàng.
Giá HRC giao ngay giảm 80 NDT/tấn so với tuần trước, còn 4.190-4.120 NDT/tấn (639-642 USD/tấn) xuất xưởng có thuế. Giá giao ngay giảm theo giá thép giao kỳ hạn, do tâm lý các nhà đầu tư trở nên lo ngại khi nguồn cung thép có dấu hiệu tăng trở lại.
Tại thị trường xuất khẩu, trong khi một số giữ giá chào bán thì số khác giảm nhẹ giá để kích cầu. Chào giá quanh mức 600 USD/tấn cho HRC SS400. Dù trong mùa tiêu thụ cao điểm nhưng do giá quá cao nên tâm lý người mua e ngại, và họ chưa vội đặt hàng.
SẢN LƯỢNG THÉP THÔ
Mặc dù quy định môi trường tại Trung Quốc thắt chặt hơn, khiến nhiều nhà máy thép đóng cửa hoặc buộc hạn chế sản xuất. Tuy nhiên, trong tháng 8/2017, Trung Quốc sản xuất mức cao kỷ lục 74.59 triệu tấn thép thô.
Lý do sản lượng tăng lên mức cao là vì yếu tố lợi nhuận. Lợi nhuận các nhà máy thép mà nhất là thép xây dựng lên tới 600-1.000 NDT/tấn. Giá tăng tới gần 40% so với đầu năm, thúc đẩy các nhà máy gia tăng công suất. Ngoài ra, các nhà máy còn tăng sản xuất để dự trữ trước kế hoạch cắt giảm sản xuất vào mùa đông tới.
Do gần tới Kỳ họp Quốc hội khóa 19 nên Chính quyền Bắc Kính sẽ tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất của các nhà máy, yêu cầu giảm công suất để hạn chế ô nhiễm cũng như các an toàn sản xuất. Do đó, sản lượng thép sẽ giảm lại từ tháng 9 này trở về cuối năm. Sản lượng thép tháng 9 có thể giảm lại về gần 73 triệu tấn trong tháng 9.
QUẶNG SẮT
Tiêu thụ quặng sắt bắt đầu tăng với tồn kho thép tại các cảng Trung Quốc giảm, do các nhà máy đang tăng năng suất để dự trữ và kiếm lời.
Tháng 9-10 vốn là mùa tiêu thụ cao điểm của ngành xây dựng nên tiêu thụ quặng sắt cũng sẽ tăng, hỗ trợ giá. Tuy nhiên, quặng chất lượng cao đang được ưa chuộng do giúp tăng năng suất sản xuất thành phẩm trong khi lại ít gây ô nhiễm vì không sử dụng nhiều than cốc, nên giá thành tăng còn quặng chất lượng thấp ngược lại, không được ưa chuộng nên giá giảm.
Quặng cám chứa 62% sắt giao dịch ở mức 76.56 USD/tấn trong tuần này, với chênh lệch giá tăng lên 29.75 USD/tấn so với quặng cám 58% sắt. Đây là mức chênh lệch cao nhất giữa hai loại kể từ tháng 8/2011.
Giá quặng tiếp tục chịu ảnh hưởng từ giá thép nên vẫn biến động. Vì là mùa tiêu thụ cao điểm của sắt cũng như quặng nên giá được hỗ trợ, nhưng do tiêu thụ dự báo chậm lại trước Kỳ họp Quốc hội tháng 10 nên giá sẽ giảm về cuối tháng, xuống tầm 70-73 USD/tấn và xuống 65-70 USD/tấn trong Q4 do các nhà máy cắt giảm sản lượng.
KẾT LUẬN
Giá thép vẫn diễn biến bất ổn và đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, biên độ dao động giá nhỏ.
_Các yếu tố hỗ trợ giá:
· Tồn kho thép trên thị trường thấp sau Chính sách đóng cửa lò cảm ứng hồi cuối tháng 6.
· Tháng 9-10 là mùa cao điểm của ngành xây dựng, kích thích tiêu thụ thép.
· Chỉ số PMI tháng 8 tiếp tục tăng điểm lên 57.2 điểm, cộng với chỉ số tâm lý thị trường thép tháng 9 lên mức cao 12 tháng.
· Chính phủ tăng chi tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
· Tâm lý lạc quan dựa vào các thông tin cắt giảm sản lượng trong mùa đông tới.
_Tuy nhiên, giá thép đang chịu áp lực từ:
· Giá đã tăng quá cao trong nhiều tháng qua nên khả năng đã đạt đỉnh, buộc phải giảm trở lại do áp lực từ phía người mua.
· Chính Phủ đang thực hiện tái cơ cấu ngành thép, đảm bảo bình ổn thị trường, kiểm soát đầu cơ ngăn chặn giá tăng mạnh.
· Sự cố nổ lò Bengang dấy lên lo lắng về thắt chặt kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ thép cây, mặt hàng sử dụng chính trong ngành xây dựng.
· Kỳ họp Quốc hội diễn ra vào ngày 18/10 tới sẽ làm giảm tiêu thụ thép đẻ hạn chế ô nhiễm và bảo hộ an toàn sản xuất thông qua việc kìm chế các hoạt động xây dựng.
· Thời tiết bất thường, ảnh hưởng từ bão lũ và sương mù làm giảm lượng thép tiêu thụ.
Sức mua có tăng trong mùa tiêu thụ cao điểm nhưng chậm. Dựa vào những yếu tố bất lợi trên, dự báo giá thép sẽ suy yếu tới tháng 10 nhưng không giảm sâu, về mức 550-580 USD/tấn vào tháng tới.
Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.
Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.
Lưu ý: Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.