Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, ông Mark Mobius-người được coi là "thầy phù thuỷ" trong giới tài chính nhận định: "trong tương lai gần một cuộc khủng hoảng tài chính nữa đang chờ đợi chúng ta bởi các nguyên do tạo nên những cơn chấn động cũ vẫn còn đó".
Nỗi lo từ chứng khoán phái sinh
Theo ông Mark Mobius, Chủ tịch Công ty quản lý đầu tư Templeton Asset Management, những "chấn động" có tác động đến kinh tế toàn cầu là sự gia tăng giao dịch các chứng khoán phái sinh (loại chứng khoán được sinh ra từ một chứng khoán gốc và giá cả của nó phụ thuộc vào giá cả của chứng khoán gốc) trong khi lại thiếu sự điều chỉnh cần thiết. Theo thống kê, tổng trị giá của các chứng khoán phái sinh đã vượt quá 10 lần khối lượng GDP thế giới và tạo nên sự biến động giá cả rất lớn, tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng mới tại các thị trường chứng khoán. Trong khi nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ba năm trước phần nào là do việc phổ biến các sản phẩm tài chính phái sinh có liên quan đến các khoản vay thế chấp nhà tại Mỹ. Khi các sản phẩm này ngừng hoạt động, các nhà đầu tư đã tổn thất hàng trăm tỷ USD, dẫn đến sự sụp đổ của Tập đoàn Lehman Brothers Holdings Inc hồi tháng 9/2008. Để giảm thiểu nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính mới, ông Mobius kêu gọi các quốc gia cần tăng cường giám sát các thể chế tài chính.
Phục hồikhông đồng đều
Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới 2011" mới được công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định: Đà phục hồi toàn cầu hiện không đồng đều có tác động tiêu cực đến sự bình ổn của kinh tế thế giới. Đặc biệt, OECD cũng cảnh báo những nguy cơ gây suy giảm mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt như đà leo thang của giá dầu mỏ và các hàng hoá khác, sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản, đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, các vấn đề nợ của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như tình hình tài chính bất ổn định ở Nhật Bản và Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Carlo Padoan của OECD cho biết: "Tất cả những yếu tố tiêu cực nêu trên cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể vẫn chưa thực sự chấm dứt. Chúng tôi lo ngại rằng nếu các nguy cơ suy giảm đó tương tác với nhau, tác động tổng hợp của chúng có thể làm suy yếu đáng kể đà phục hồi kinh tế thế giới, và điều này có khả năng gây nên tình trạng lạm phát đình đốn ở một số nước phát triển". Theo lý thuyết kinh tế, lạm phát đình đốn là giai đoạn tăng trưởng thấp và lạm phát cao cùng xuất hiện song song, gây nên những vấn đề giữa lúc các công cụ truyền thống giúp cải thiện cái này trong khi lại huỷ hoại cái kia.
Ông Carlo Padoan cũng nhấn mạnh, các nước phát triển, trong đó có các nước thành viên OECD vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của tình trạng yếu ớt của kinh tế toàn hiện nay. Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP lao dốc do xuất khẩu sụt giảm và chính sách thắt chặt tài khoá, các nước OECD sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng lên 2,3% trong năm 2011. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 34 nền kinh tế thuộc OECD vẫn ở mức cao là 7,9% trong năm nay. Nếu không muốn bị các nước mới nổi qua mặt, OECD hối thúc các quốc gia thành viên tiến hành cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo OECD, Mỹ và Nhật Bản cần phải đưa ra các kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn đáng tin cậy. Đặc biệt, OECD lưu ý các quốc gia phải căn cứ vào tình hình cụ thể của mình mà tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng giúp củng cố đà phục hồi hoặc tiến hành tăng lãi suất để tránh tình trạng bong bóng và ngăn chặn lạm phát.
Nguồn tin: KTĐT