Nếu phía trước là một cuộc khủng hoảng kép, liệu nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, khi hiện thời nó vẫn còn chưa nhích lên khỏi đáy?
Điều kỳ diệu
Thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đang làm nên một điều kỳ diệu mà vào cuối năm 2011, ít ai có thể tin được.
Rốt cuộc, cả hai chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ là Dow Jones công nghiệp và sau đó S&P 500 đều chinh phục được đỉnh lịch sử đã được lập vào tháng 10/2007. Riêng chỉ số Nasdaq còn làm hơn thế nhiều khi đã vượt mốc kỷ lục 2007 từ hàng năm nay.
Rốt cuộc, đã không xảy ra một trận bán tháo dữ dội như một số đại gia chứng khoán, trong đó có cả tỷ phú Warrent Buffet, lo ngại. Không những thế, lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ đã chính thức bước sang một trang mới, khi kỷ lục của nó là cao nhất tính từ năm 1929 đến nay.
Một trong những minh chứng rõ rệt nhất về niềm tin thị trường được thể hiện qua dòng tiền đổ vào cổ phiếu. Trong nhiều tuần qua, giá trị tiền đầu tư cá nhân cứ tăng dần lên, trong đó phải kể đến một phần tiền do nhà đầu tư bán vàng. Trong khi đó, như một sự trớ trêu của tạo hóa, giá vàng thế giới không thể vượt qua được mốc 1.600 USD/ounce.
Liên tục đi ngang và giật lùi, vàng bỗng chốc tượng trưng cho nỗi thất vọng. Là một quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust đã bán ròng liên tiếp trong thời gian qua với số lượng lên đến hơn 40 tấn. Tính tổng cộng, các quỹ đầu cơ vàng đã bán ròng đến hàng trăm tấn - một trong những kỷ lục bán ròng cao nhất trong lịch sử của thị trường này.
Vàng tuột dốc và chứng khoán ngoi lên - điều đó nói lên cái gì? Không thể khác hơn, chỉ số niềm tin của nhà đầu tư đang song trùng với chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi sức rõ nét hơn, cùng lúc với việc người dân rút dần tiền tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư hay sản xuất.
Một hiện tượng đặc biệt khác cần phải kể ra là bất chấp sự đe dọa từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ về việc chấm dứt Chương trình nới lỏng định lượng, các thị trường chỉ chao đảo không đáng kể. Ngược lại, lần đầu tiên kể từ thời điểm nhậm chức tổng thống thứ 44 của Mỹ, Obama đã kéo được tỷ lệ thất nghiệp về mức thấp kỷ lục trong thời khủng hoảng: 7,7%. Con số này tuy không là gì nếu so với mức độ ổn định thất nghiệp 4-5% dưới thời cựu Tổng thống đến từ Đảng dân chủ Bill Clinton, nhưng sẽ thật có ý nghĩa nếu đối chiếu với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt đến gần 10% vào thời của Tổng thống Cộng hòa George Bush.
“Vách đá tài chính” cũng vì thế đã tạm lùi về phía sau. Chủ đề nâng trần nợ công hay còn gọi là “sự vỡ nợ của nước Mỹ” giờ chỉ như một “luận điệu thù địch” dai dẳng. Sau tất cả những tranh cãi nảy lửa trong nghị viện về vấn đề an sinh xã hội, điều cuối cùng người ta vẫn phải thừa nhận là cho dù chi phí y tế có được Obama nâng đến mức tối ưu và chiếm phần khá lớn trong ngân sách quốc gia, sức bật của nền kinh tế vẫn không bị suy giảm, thậm chí một số thị trường đầu cơ như chứng khoán còn tiếp tục tăng tiến. Đó cũng là sự thích hợp của chính sách mà bộ máy Nhà Trắng mang lại cho cộng đồng, bất chấp tiếng la hét phản đối của một số dân biểu cực đoan.
Trễ pha hay tuột dốc?
Tuy thế, điều mà chính quyền Obama vẫn luôn lo ngại là bất cứ sự cực đoan đến đâu đều có thể đúng ít ra một lần. Nếu như các nhà kinh tế của Đảng Cộng hòa vẫn thường lấy những lời tiên đoán của Nouriel Roubini - giải thưởng Nobel và là người đã dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 - như một chỗ dựa còn lại cho cuộc khủng hoảng tiếp theo, thì dường như sự vận động của cán cân kinh tế thế giới cũng không đủ an toàn để giữ được thăng bằng đủ lâu.
Một trong những tiêu điểm có thể cân đong đo đếm được vẫn là thị trường chứng khoán. Nhìn vào cái thế đi lên khá bền vững của thị trường này, người ta đang tự hỏi liệu nó sẽ còn tăng tới đâu. Vào năm ngoái, một số chuyên gia thượng thặng của Phố Wall đã dự báo nếu đến cuối năm 2012 giá cổ phiếu tăng mạnh thì ngay sau đó sẽ có một trận bổ nhào, thậm chí còn làm cho tình hình xoay chuyển hẳn sang hướng tiêu cực. Tuy vậy trong thực tế dự báo này đã khá xa rời với thực tại.
Cũng trong bối cảnh này, nền kinh tế Việt Nam đang phải vật lộn để “thoát đáy”. Từ cuối năm 2012, một số quan chức nhà nước đã bắt đầu mạnh miệng nói về cái đáy của nền kinh tế và có vẻ như mọi chuyện “không thể xấu hơn”. Thế nhưng khi năm 2013 đã trôi qua được gần một quý, bầu không khí sản xuất kinh doanh vẫn chưa hết ảm đạm. Với một hình dung khác, người ta vẫn nhận ra sự khác biệt rõ nét giữa con số báo cáo và tình hình thực tế, giữa xu hướng tô hồng về giảm hàng tồn kho và chỉ số tăng công nghiệp với thực trạng có đến 80% doanh nghiệp “không biết vay vốn để làm gì”.
Nói trắng ra, nền kinh tế Việt Nam đã không thể tận dụng cơ hội từ kinh tế thế giới trong hơn một năm qua. Có thể đó cũng là một thái độ cực đoan tiêu cực - tương tự với cái hố khác biệt giữa các ngân hàng cực kỳ thiếu vốn vào năm 2011 - nhưng lại quá dư thừa tiền từ năm 2012 đến nay.
Và nếu không tận dụng được cơ hội, cơ hội sẽ không còn tồn tại mãi mãi để tận dụng. Nền kinh tế thế giới có thể đang tiến đến một thời kỳ hưng phấn mới, nhưng cũng có thể là đoạn cuối của một chu kỳ tăng trưởng.
Trong giai đoạn tăng trưởng từ năm 2003 đến năm 2007, giới quan sát quốc tế đã thừa nhận cuối cùng thì một cuộc khủng hoảng cũng phải nổ ra.
Cũng từ năm 2009 cho đến nay, bốn năm trời trôi qua với diễn biến gần tương tự như giai đoạn tiền khủng hoảng lần trước, chỉ có điều mọi thứ mong manh và yếu ớt hơn. Vì thế, nếu chu kỳ gần nhất lặp lại, phía trước sẽ là một cuộc khủng hoảng nữa đang chờ đợi - khủng hoảng kép.
Khi đó, liệu nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, nếu như hiện thời nó vẫn còn chưa nhích lên khỏi đáy?
Nguồn tin: Songmoi.vn