Đâu sẽ là biến số khó lường nhất trong điều hành chính sách của NHNN trong năm 2017? Với những diễn biến kinh tế cả trong và ngoài nước đã diễn ra trong quý 1/2017 thì có thể phần nào khẳng định đó chính là tỷ giá.
Năm 2016, lãi suất được xem là một ẩn số khó lường trên thị trường tiền tệ. Kịch bản về khả năng lãi suất sẽ tăng mạnh trong năm 2016 đã được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra ngay từ đầu năm do những lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục chính sách phá giá đồng CNY như diễn biến của những tháng cuối năm 2015.
Tuy nhiên, với việc NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ, khoảng 10 tỷ USD, tương đương với khoảng hơn 220 nghìn tỷ VND được bơm ra thị trường. Mặc dù vậy, NHNN đã không trung hòa hết lượng tiền này thông qua kênh phát hành tín phiếu như các năm trước đây. Do đó, thanh khoản của toàn hệ thống luôn trong trạng thái dư thừa. Mặt bằng lãi suất trên cả thị trường 1 và 2 luôn được giữ và duy trì ở mức ổn định.
Vậy, đâu sẽ là biến số khó lường nhất trong điều hành chính sách của NHNN trong năm 2017? Với những diễn biến kinh tế cả trong và ngoài nước đã diễn ra trong quý I/2017 thì có thể phần nào khẳng định đó chính là tỷ giá.
Kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2017
Nhập siêu lên tới 1,8 tỷ USD tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2017, trong khi cán cân thương mại thặng dư gần 1 tỷ USD trong cùng kỳ của năm 2016. Nguyên nhân chính là do nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị tăng rất mạnh. Lạc quan chính là tâm lý chung của cả người dân và doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại. Chỉ số PMI của tháng 2/2017 đạt mức 54,2 điểm, cao nhất kể từ tháng 5/2015.
Một kịch bản kinh tế như những diễn biến của năm 2015 đang có dấu hiệu lặp lại, nhập siêu ở mức cao (-3,5 tỷ USD), GDP tăng trưởng ấn tượng (6,68%) và tỷ giá giảm đến 5,34%. Cán cân thương mại thâm hụt khiến cho nhu cầu về USD tăng lên và gây áp lực lên tỷ giá.
Thực tế, diễn biến tỷ giá từ đầu năm 2017 đến nay cũng cho thấy, trong khi một số đồng tiền trong khu vực tăng giá thì VND lại tiếp tục xu hướng giảm giá so với đồng USD.
Động thái tiệp tục tăng lãi suất của FED
FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% kể từ ngày 16/3/2017, theo đó, đây là lần tăng thứ 2 diễn ra trong vòng 3 tháng gần đây. Đồng thời, FED cũng phát tín hiệu về khả năng sẽ có thêm từ 2 đến 3 lần tăng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2017.
Lãi suất tăng, đồng nghĩa với việc chi phí sử dụng đồng USD cũng tăng lên, do đó, dòng vốn đầu tư cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) trên toàn cầu có xu hướng giảm và quay trở lại nước Mỹ. Đây cũng chính là chiến lược điều hành kinh tế dưới thời tổng thống Donald Trump, khi ông muốn đưa các doanh nghiệp của Mỹ đang đầu tư ở nước ngoài quay trở lại trong nước.
Kịch bản mà NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ lớn như diễn biến của năm 2016 là rất khó xảy ra. Như vậy, trong khi cầu có dấu hiệu tăng lên thì cung về ngoại tệ lại có xu hướng giảm. Kết quả này sẽ gây áp lực trực tiếp lên tỷ giá.
Xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản vẫn chưa dừng lại (commodities)
Sau chu kỳ giảm giá xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2015, giá các loại hàng hóa cơ bản đã tăng mạnh trở lại trong năm 2016 và xu hướng đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong những tháng đầu năm 2017. Trong đó, đáng chú ý là giá dầu tăng 22%, giá cao su tăng tới 53%, trong khi đó giá thép cũng tăng tới 71%. Do vậy, nguy cơ nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam là hiện hữu.
Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào cả xuất và nhập khẩu. Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, nước sinh hoạt, điện….sau nhiều lần trì hoãn sẽ buộc phải hiện trong năm 2017.
Áp lực lạm phát đến từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Do đó, việc kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ đang đối mặt với nhiều thách thức. Lạm phát ở mức cao, đồng nghĩa với việc lãi suất huy động vốn sẽ phải được đẩy lên tương ứng. Diễn biến này sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý của người dân và cả doanh nghiệp khi họ có xu hướng găm giữ ngoại tệ trước xu hướng giảm giá của đồng VND.
Mặc dù vậy, với việc dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục, trên 40 tỷ USD và cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm mới thì hy vọng tỷ giá sẽ vẫn được kiểm soát và điều chỉnh theo những tín hiệu của thị trường. Những cú sốc về tỷ giá trong quá khứ sẽ không còn lặp lại.
Nguồn tin: Bizlive