Biến động giá Với những mặt hàng nhập khẩu trị giá thấp thì việc giá USD tăng, giảm không ảnh hưởng nhiều tới giá bán ra. Tuy nhiên, với những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, xe máy, máy tính xách tay, mỹ phẩm, hàng may mặc... thì việc áp tỷ giá cao không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt mà bản thân của DN lớn, nhỏ cũng gặp không ít khó khăn vì giá đã tăng tương ứng với việc tăng giá USD hồi cuối tháng 8/2010. Bà Liên, chủ cửa hàng xe trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, cho biết, xe máy nhập khẩu chủ yếu mua bằng đồng euro, về trong nước lại bán theo USD nên mặt hàng này phải chịu tác động tăng hai lần tỷ giá giữa hai ngoại tệ. Còn đối với các DN có một số mặt hàng nhập khẩu và nhóm hàng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu thì việc tăng giá bán hàng là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Được biết, Hợp tác xã Saigon Co.op đã nhận được nhiều đơn thông báo tăng giá từ phía nhà cung cấp. Giá tăng chủ yếu rơi vào ngành hàng hóa mỹ phẩm, tiêu dùng nhựa, giấy... với mức tăng 5 - 12% vì nhiều lý do. Phía Big C cũng nhận được thông báo tăng giá 10% đối với các mặt hàng đồ hộp. Theo tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), gần đây, một số DN sản xuất đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Hiện mặt hàng đang được các nhà sản xuất bán ra ở mức phổ biến từ 13,2 - 13,85 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT)... Khó giữ giá vì nguyên liệu Hầu hết các chủ cửa hàng khẳng định, nguyên nhân tăng giá hiện nay là do khả năng dự trữ hàng hóa không có nên khi thị trường biến động sẽ ảnh hưởng lập tức đến giá bán các mặt hàng. Đây là hình thức tăng giá gián tiếp do tác động của yếu tố tỷ giá USD. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA giải thích, là do sau một thời gian dài giá phôi thép trên thị trường thế giới đứng ở mức 580 - 600 USD/tấn và thép phế khoảng 390 - 400 USD/tấn, đã bắt đầu tăng nhẹ. Cộng với ở trong nước, sự tăng giá mạnh của USD so với VND đã khiến các DN sản xuất khó có thể giữ nguyên giá bán trước đó. Ông Nguyễn Hồng Hiển, Giám đốc Công ty GreenFeed Việt Nam, chia sẻ, trong quý II, cám gạo đã tăng tới 50% so với thời cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.468 đồng/kg; đậu tương, ngô, cám ngô cũng tăng từ 8 - 26%. Bước sang quý III, thị trường thức ăn chăn nuôi lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá ngoại tệ nên khả năng giảm giá đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi là rất khó. Và ông Hiển khẳng định, từ nay đến cuối năm giá thức ăn chăn nuôi chỉ có thể ổn định hoặc tăng đều. Hoang mang với chính sách Trong khi các DN lo lắng về căng thẳng USD theo chu kỳ thì những động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) càng làm cho mối lo này lớn lên. Lo lắng vì mới đây, theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM, doanh số mua ngoại tệ tháng Chín giảm so với tháng Tám, nhưng doanh số bán ngoại tệ lại tăng. Nguyên nhân được NHNN lý giải là cầu ngoại tệ tháng Chín tăng cao do nhu cầu USD thanh toán nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài tăng vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các DN khó khăn ngoại tệ phải thanh toán bằng nguồn tín dụng USD của NH. Thêm vào đó, mức chênh lệch tỷ giá trên thị trường tự do và trong NH dẫn đến việc các ngân hàng thương mại (NHTM) khó mua ngoại tệ từ DN và cá nhân đã xuất hiện trở lại. Hiện các NHTM chủ yếu bán ngoại tệ theo danh mục mặt hàng ưu tiên. Do đó, có tình trạng khách hàng phải tự kiếm nguồn ngoại tệ nộp vào NH để thanh toán khi NH không đủ nguồn để đáp ứng cho DN. Ngoài ra, một điều không thể không nhắc đến là hiện nay, tại các hệ thống NHTM, đã có tình trạng bán ngoại tệ vượt tỷ giá trần cho phép. Phần chênh lệch đang được tính dưới dạng phí giao dịch ngoại tệ, phí thanh toán. NHNN cũng đang lo ngại về tính nhạy cảm của thị trường đối với chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ. Đồng thời, theo số liệu thống kê và ước tính của NHNN chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối tháng Mười ước đạt 129.746.167USD, giảm 28,1% so với tháng Chín, và tổng số kiều hối tháng Mười ước tính 326.303.808USD, giảm 17,9%. Ngoài ra, trong tháng Chín, tình hình xuất nhập ngoại tệ là bội xuất +7.243.141USD trong đó xuất bằng USD chiếm 18% tổng lượng ngoại tệ xuất. Trong 20 ngày đầu của tháng Mười, tình hình diễn biến ngược lại là bội nhập 101.182.220USD, trong đó, nhập bằng USD chiếm 99% tổng lượng ngoại tệ nhập. Mức bội nhập qua hệ thống NH trong tháng Mười chủ yếu do nhu cầu ngoại tệ chi trả kiều hối, rút tiết kiệm tăng mạnh so với tháng trước. Với những tín hiệu này cho thấy, NHNN cũng đã có những lo ngại về nhập siêu tăng cao và khả năng mất cân đối cung cầu ngoại tệ vào dịp cuối năm. Việc siết chặt mua bán và cho vay ngoại tệ, chỉ ưu tiên các hàng hóa cần nhập khẩu, các DN có nguồn trả nợ rõ ràng... sẽ khiến cho việc vay và mua ngoại tệ sẽ khó khăn hơn và căng thẳng USD cuối năm là những lo ngại có sơ sở. NHNN cũng dự báo rằng, những tháng cuối năm nay, nhu cầu ngoại tệ tiếp tục tăng cao sẽ tạo áp lực lớn cho hệ thống NHTM, đặc biệt là tình hình nhập siêu gia tăng sẽ làm tăng nhu cầu vay ngoại tệ thanh toán của các DN. Chính vì thế, ngày từ bây giờ, các DN nhập khẩu đôn đáo vì USD là việc không có gì lạ. Nguồn: DNSGNhững đợt biến động giá USD trên thị trường tự do từ trung tuần tháng 9/2010 đến nay đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động buôn bán và giá cả các mặt hàng nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM. Hiện tượng này lặp đi lặp lại từ nhiều năm khiến doanh nghiệp (DN) cũng nhấp nhổm không yên.