Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tỷ giá: Sóng dồn từ hai phía

Dư nợ ngoại tệ tăng cao khiến cân đối nguồn ngoại tệ có vấn đề, vàng tiếp tục “chảy máu” là những nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.

Thế nhưng, hiện nhà quản lý vẫn chưa có động thái đáng kể nào để ngăn những mối lo nhãn tiền này.

Chóng mặt với dư nợ ngoại tệ

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Quốc hội, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 4 tỷ USD. Tất nhiên con số này đang cải thiện đáng kể dự trữ ngoại hối hiện có, nhưng có vẻ như chúng đang phủ mờ lên khá nhiều nhân tố bất ổn tiềm ẩn mà đầu tiên là vấn đề thanh khoản ngoại tệ.

Theo tìm hiểu của người viết, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ VND.

Tháng 1/2011 so với tháng 12/2010, dư nợ USD của hệ thống ngân hàng đạt 25,393 triệu USD, tăng 2,11% so với tháng 12/2010 trong khi tín dụng VND chỉ tăng 1,06%. Khối ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng dư nợ USD cao nhất với 3,39% và đứng sau đó là khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng 1,39%.

Trong tháng 2/2011, dư nợ USD đạt 25,74 triệu USD, tốc độ tăng chững lại một chút so với tháng trước, ở mức 1,42% so với 2,11%, trung bình tăng 1,77%/tháng; trong khi tín dụng VND chỉ tăng 0,16%.

Bóc tách từng khối và so sánh với tháng trước, thấy rằng, nếu tháng 1/2011, khối cổ phần và nhà nước tăng cao nhất thì ở tháng 2, khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng độc chiếm ngôi đầu với mức tăng 3,91%. Tiếp đó, khối nước ngoài tăng 1,83%; khối cổ phần tăng 1,56%; khối nhà nước tăng 0,45% và chỉ có khối liên doanh giảm 1%.

Ở tháng 3/2011, trong khi dư nợ VND toàn hệ thống tăng 0,16% thì dư nợ USD tăng 0,42%.

So tháng 4/2011 với tháng 3/2011, dư nợ VND toàn hệ thống chỉ tăng 1,02%, còn dư nợ USD toàn hệ thống đạt 26,76 tỷ USD, tăng 2,82%, đạt mức tăng cao nhất trong 4 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng tăng 1,86%.

Trong đó, khối cổ phần đạt dư nợ 13.548 triệu USD, chiếm 50,62% dư nợ ngoại tệ toàn hệ thống; tăng 4,47% so với tháng 3/2011 và tăng 12,86% so với tháng 12/2010!

Còn khối ngân hàng nước ngoài tăng 1,71%; khối ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 0,95%; khối liên doanh tăng 0,27%., duy nhất khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm 0,59%. Cũng trong 4 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng, tín dụng ngoại tệ tăng 1,86%.

Đến tháng 5/2011, đà tăng dư nợ ngoại tệ vẫn chưa chịu dừng lại. Chỉ tính riêng khối ngân hàng thương mại cổ phần, dư nợ USD đạt 14 tỷ USD, chiếm 51% dư nợ cho vay ngoại tệ toàn hệ thống.

Tốc độ tăng dư nợ USD của khối này ở tháng 5 tăng 5,56% so với tháng 4/2011 và tăng 19,14% so với tháng 12/2010. Và trong khi tính bình quân 5 tháng đầu năm, dư nợ ngoại tệ toàn hệ thống chỉ tăng 2,28%/tháng thì tốc độ này của khối cổ phần lên tới 3,52%/tháng.

Tháng 6 thì sao? Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 10/6, tín dụng VND chỉ tăng 2,72% còn tín dụng ngoại tệ tăng 22,21%. Tính riêng địa bàn Hà Nội thì đến 30/6, dư nợ quy đổi của tất cả các tổ chức tín dụng tại đây ước đạt 555.280 tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối tháng 5/2011, tăng gần 8,9% so với cuối 2010 và tăng 27,7% so với cùng kỳ 2010.

Đặc biệt, mặc dù tốc độ tăng dư nợ VND chỉ 5,2% thì dư nợ ngoại tệ tăng tới 17,25%.

Hiểm họa vay trước trả sau

Giải thích câu chuyện dư nợ USD tăng vọt từ đầu năm đến nay, nhiều cán bộ kinh doanh ngoại tệ từ các ngân hàng khẳng định: chênh lệch lãi suất “đô - đồng” là nguyên nhân căn bản.

Theo đó, so sánh lãi vay VND cho sản xuất kinh doanh trên 21%/năm, vay phi sản xuất từ 22% - 25%/năm; còn lãi vay USD khoảng 6% - 7,5%/năm, nếu kể cả trượt giá thêm vài phần trăm trong năm nay thì giá vốn vay USD cũng chỉ dưới 10%/năm, rẻ hơn vay VND ít nhất 10%/năm. “Như thế, có ai lại không vay ngoại tệ?”, cán bộ một ngân hàng nói.

Qua tìm hiểu, đối tượng vay ngoại tệ thường có hai dạng: doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ bán ngay cho ngân hàng lấy VND thu mua hàng hóa trong nước để xuất khẩu. Đối tượng thứ hai là doanh nghiệp không thuộc diện trên nhưng bằng cách nào đó, họ có được những bộ chứng từ đáp ứng đủ điều kiện vay ngoại tệ.

Sau vay, họ bán ngoại tệ cho ngân hàng thu tiền đồng về và dù để kinh doanh hay gửi ngược vào ngân hàng với mức 17% - 18%, vẫn được lợi ít nhất 7% - 8%/năm.

Một vấn đề đặt ra, người vay có sợ rủi ro tỷ giá không? Từ đầu 2011, Ngân hàng Nhà nước đã phá giá VND tới 9,3%. Nhiều năm gần đây, mức độ mất giá của VND so với USD chỉ trên dưới 10%/năm. Vì thế, người vay có thể “đoán” rằng, rất khó để Ngân hàng Nhà nước đánh tụt giá VND quá mức này, thậm chí, giá VND giảm thêm vài ba phần trăm thì vẫn lãi. Đó là động lực của “trò chơi tiền tệ” mà không cần phải quá mạo hiểm.

Nhiều chuyên gia nhận xét rằng, có vẻ như vòng luẩn quẩn của 2010 đang lặp lại. Theo đó, khi những khoản vay này đến kỳ trả nợ và thường là trùng với thời điểm thanh toán cuối năm (từ cuối quý 3 trở đi), sẽ phát sinh lực cầu USD rất lớn, gây áp lực lên tỷ giá.

Minh chứng cho quan điểm này, một chuyên gia phân tích: gần đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện hành vi “lách trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ”. Lý do là khi tốc độ cho vay ngoại tệ tăng nhanh hơn tốc độ huy động thì thanh khoản ngoại tệ sẽ khó khăn, các ngân hàng lâm vào tình trạng mất cân đối nguồn.

Lúc đó, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn và “miếng võ” lãi suất sẽ được giở ra đầu tiên. Trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ (theo Thông tư 09) đối với dân cư ở mức 3%năm thì sẽ nảy sinh hiện tượng “lách trần” như đối với với lãi suất VND lâu nay.

Tuy nhiên, một sự khác biệt và rất nguy hiểm ở đây là nếu thiếu VND, Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết trực tiếp bằng cách bơm tiền qua các kênh tái cấp vốn hay OMO, nhưng với USD, Ngân hàng Nhà nước rất khó xoay xở.

Lý do là thiếu công cụ điều tiết lượng USD trên thị trường, ngoại trừ dự trữ bắt buộc và một vài công cụ rời rạc khác. Trong trường hợp cực chẳng đã, Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ ra nhưng bán bao nhiêu cho đủ?

Bài học năm 2009 và hai tháng đầu 2010 cho thấy: Ngân hàng Nhà nước càng bán ra, thị trường càng kỳ vọng tăng giá, dẫn đến gia tăng hành vi găm giữ, làm cho thị trường thiếu ngoại tệ và dồn nén áp lực lên tỷ giá, buộc Ngân hàng Nhà nước phải phá giá VND.

Cầm vàng, sao để vàng rơi?

Trong câu chuyện tỷ giá ngày hôm nay, không thể không nhắc tới vấn đề tái xuất vàng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đá quý, kim loại quý mà chủ yếu là vàng lên tới 1,027 tỷ USD và con số này tiếp tục được gia tăng trong tháng 7/2011.

Đối với Việt Nam, vàng là nhân tố ảnh hưởng tương đối nhiều đến tỷ giá vì dòng tiền của vàng rất lớn nhưng mang tính ngắn hạn. Bởi thế, cùng với hành vi vay USD bán lại USD cho ngân hàng, xuất khẩu vàng đã mang về một lượng lớn USD can thiệp vào thị trường, dẫn đến tỷ giá tương đối ổn định trong thời gian gần đây.

Nhưng đó có là xu hướng bền vững hay không, chí ít là đến hết năm nay lại là chuyện khác. Bởi, khi giá vàng thế giới cao hơn trong nước, doanh nghiệp sẽ xuất vàng nhưng khi xu hướng kia diễn ra ngược lại, tất yếu sẽ phải nhập khẩu vàng.

Và nếu Ngân hàng Nhà nước không cấp quota nhập khẩu thì sẽ phát sinh nhập lậu và đó là tiền đề cho hành vi vơ vét USD trên thị trường tự do, làm trầm trọng thêm tâm lý găm giữ USD như từng xảy ra năm ngoái.

Một minh chứng cho vấn đề găm giữ là mặc dù Chính phủ đã có chủ trương yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng nhưng qua tìm hiểu của người viết ở một ngân hàng thương mại nhà nước, họ chỉ mua được 2%/tổng số ngoại tệ mà các đối tượng này đang treo trên tài khoản!

Xung quanh vấn đề tái xuất vàng, vòng quay đang diễn ra như sau: doanh nghiệp mua vàng của dân để xuất khẩu, thu ngoại tệ, bán lại cho ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại bán tiếp cho Ngân hàng Nhà nước.

Như thế, phải qua 5 công đoạn, Ngân hàng Nhà nước mới thu được ngoại tệ sau khi bơm một lượng VND tương ứng ra thị trường.

Một số ý kiến phân tích tỏ ra ngạc nhiên, rằng không hiểu vì lý do gì mà không rút ngắn vòng luẩn quẩn trên bằng cách mua vàng ở một mức giá nào đó để đôi bên cùng có lợi.

Như thế, Ngân hàng Nhà nước vừa có vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối quốc gia, tránh lãng phí nguồn tài nguyên vô giá nhưng hữu hạn, nhất là trong lúc nhiều ngân hàng trung ương các nước thi nhau mua vàng. Mặt khác, khi cầu vàng trong nước lên, Ngân hàng Nhà nước có thể bán vàng thu VND về, tránh chảy máu vàng ra nước ngoài. Còn nếu e ngại lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước có thể “bơm - hút” VND qua nghiệp vụ OMO. Có phải Ngân hàng Nhà nước không muốn “ôm rơm rặm bụng”?

Nguồn tin: Vneconomy

ĐỌC THÊM