Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tỷ giá tăng, doanh nghiệp lao đao chèo chống

Việc điều chỉnh tỷ giá được coi là động thái khuyến khích xuất khẩu. Lẽ thường, các doanh nghiệp xuất khẩu là bộ phận “đắc lợi”. Tuy nhiên, thời điểm này, người trong cuộc lại không mấy sung sướng, khi phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu phải dùng USD để nhập nguyên liệu.

“Đáng nói là trong lúc kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, thị trường bị co hẹp, doanh nghiệp lớn đã khó khăn, doanh nghiệp nhỏ càng chật vật. Nếu lãi suất không xuống được, cộng các yếu tố bất lợi hiện nay của giá cả tăng, thì 15 - 20% số doanh nghiệp trong ngành gỗ sẽ phải tạm ngưng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô”, ông Võ Trường Thành - TGĐ Công ty Gỗ Trường Thành nhận định.

Theo ông Thành, việc nâng tỷ giá đồng USD/VND ngay những ngày đầu năm khiến các doanh nghiệp xuất khẩu được thuận lợi khi thu ngoại tệ về. Song, lãi suất cho vay cao ngất ngưỡng đã làm triệt tiêu các dự định đầu tư, kinh doanh hay phát triển doanh nghiệp.

Ông Thành cho biết, gỗ Trường Thành đã phải gác lại nhiều kế hoạch đầu tư mà lẽ ra đã tiến hành ngay đầu năm nay. Cụ thể, dự án bất động sản Đảo Ngọc tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 3.2011 phải lùi lại đến cuối năm. Như vậy, một khoản đầu tư không nhỏ vào đất đai của Trường Thành đã bị chôn cùng dự án này. Chưa hết, Gỗ Trường Thành cũng đặt kế hoạch mở rộng nhà xưởng phục vụ cho việc sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trị giá 100 tỷ đồng. Nhưng kế hoạch này cũng gác lại, đợi khi thị trường tài chính dễ thở hơn.

Ngay cả các ngành tưởng như thế mạnh, như xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cũng phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Do vậy, không ít doanh nghiệp “trắng mắt” vì “chạy” cho ra USD để thanh toán đơn hàng.

Giá hàng hóa đang tăng cũng kéo theo các chi phí khác như khai thuế nhập khẩu ở hải quan, phí hãng tàu… đồng loạt leo thang. Đó là chưa kể giá bán nguyên liệu ở nước ngoài cũng tăng. Sự cộng hưởng của hàng loạt yếu tố đó khiến một số doanh nghiệp nhỏ càng thêm chòng chành. “Nhiều ông ty dù đã có kế hoạch mở rộng sản xuất, song không dám mơ màng mở rộng đầu tư, bởi không chịu nổi gánh nặng lãi suất đi vay”, bà Lê Thị Kim Chi, chủ doanh nghiệp sản xuất khăn giấy Cao Phát - Bình Dương cho biết.

Ở ngành chế biến xuất khẩu thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, năm nay là một năm khó khăn. Bình quân mỗi năm, ngành này phải chi khoảng 300 triệu USD để nhập nguyên liệu. Giá USD tăng khiến các chi phí đầu vào tăng cao, đẩy giá bán cũng cao hơn, khiến các doanh nghiệp vất vả trong cuộc “giằng co” giá cả. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp thủy sản còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, do nông dân không có khả năng tiếp cận vốn để tái đầu tư nuôi trồng. Không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ, nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, để vuột cơ hội hoặc bị mất khách hàng .

Mỗi doanh nghiệp có một cách để tự “chèo chống” con thuyền của mình trong thời buổi khó khăn. Và cụm từ “năm lận đận” sẽ là “mẫu số chung” cho nhiều doanh nghiệp trong năm nay.

Nguồn: Stockbiz

ĐỌC THÊM