Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen đều "nhắm" mục tiêu nhận chuyển nhượng dự án thép Guang Lian. Cuối cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi muốn giao lại dự án này cho Tập đoàn Hòa Phát.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản số 5643UBND-CNXD gửi Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cho phép Tập đoàn Hòa Phát đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy thép liên hợp tại Khu kinh tế Dung Quất.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, vốn đầu tư dự án có thể lên đến 2-2,5 tỷ USD được chia làm hai giai đoạn, số vốn này sẽ được chuẩn xác khi lập dự án. Trong đó vốn của chủ đầu tư là 65% còn lại là vốn vay thương mại.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa phát đã có năng lực kinh nghiệm đầu tư và vận hành hiệu quả Nhà máy luyện cán thép 1,7 triệu tấn/năm, có tiềm lực tài chính. Cho nên khả năng huy động vốn tự có trong giai đoạn 1 trong vòng 3 năm của Tập đoàn Hòa Phát là khả thi.
Nhà đầu tư yêu cầu diện tích đất khoảng 300-350ha, trong đó giai đoạn 1 khoảng 150ha; vị trí khu đất là của nhà máy thép Guang Lian.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: So với dự án thép Guang Lian có diện tích sử dụng đất 504 ha, công suất 5 triệu tấn/năm thì công suất của Dự án Nhà máy thép Hòa Phát tại KKT Dung Quất nhỏ hơn, chủng loại sản phẩm ít hơn. Do vậy, việc đề nghị thỏa thuận diện tích đất cho Dự án Thép Hòa Phát từ 300-350 ha là hợp lý.
“Nhà đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được hưởng các ưu đãi về thuế và tiền thuê đất tương tự dự án thép Guang Lian. Đồng thời đề nghị giải quyết dứt điểm đền bù đất đai, tài sản gắn liền với đất của dự án Guang Lian và nhà đầu tư mới sẽ thanh toán lại theo nguyên tắc dự án mới sử dụng được” – UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nếu Tập đoàn Hòa Phát nhận chuyển nhượng Dự án Thép Guang Lian và không điều chỉnh Dự án (giữ nguyên mục tiêu, quy mô công suất và diện tích sử dụng đất...) thì Dự án tiếp tục được hưởng ưu đãi đã được thể hiện trong Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu sau khi nhận chuyển nhượng, Tập đoàn Hòa Phát tiến hành điều chỉnh Dự án thì ưu đãi sẽ thay đổi.
“Cả hai trường hợp này đều phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ” – UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết thêm, ngoài Tập đoàn Hòa Phát, thì Tập đoàn Hoa Sen cũng quan tâm đến vị trí của nhà máy thép Guang Lian. Song dù Quảng Ngãi đã gửi văn bản "nhắc nhở" Hoa Sen về các vấn đề khi đầu tư vào dự án này nhưng không nhận được hồi âm.
Mặt khác, Quảng Ngãi cho rằng tại các cuộc họp, các sở ngành đều ủng hộ giao Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đầu tư dự án.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thường trực tỉnh ủy xem xét, đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đầu tư vào vị trí của dự án thép Guang Lian.
Dự án nhà máy luyện thép Guang Lian ở khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) được cấp phép từ năm 2006, khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United (Đài Loan) hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Đến đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản đã quyết định góp vốn cùng Tập đoàn E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án thép 4,5 tỷ USD này. Song vào tháng 9-2014, Tập đoàn JFE đã chính thức ngừng kế hoạch đầu tư vào dự án thép Guang Lian sau một thời gian dài thăm dò, trì hoãn. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng dự án đã đủ điều kiện để thu hồi giấy phép và đang xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng. |
Nguồn tin: Hải quan