Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Úc điều tra thép mạ kẽm nhập từ Việt Nam

Ủy ban chống bán phá giá Úc đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam và Ấn Độ, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hôm 15-7. Vụ điều tra này bắt đầu từ đơn kiện của BlueScope Steel - đây cũng là nguyên đơn trong một số vụ kiện gần đây liên quan đến thép xuất khẩu của Việt Nam.

 Theo thông tin đăng tải trên cổng thông tin của Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan này cho biết hôm 11-7 nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam về việc điều tra này.

Điều tra được khởi xướng xuất phát từ đơn kiện của BlueScope Steel Limited, với biên độ phá giá mà công ty này cáo buộc cho sản phẩm của Việt Nam là 16,26%. Theo đơn kiện, hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam có giá thấp hơn giá trị thông thường và gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Úc, như làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nội địa, làm giảm số lượng việc làm, và làm giảm khả năng tăng vốn tái đầu tư,…

Cũng theo nguyên đơn, trong năm 2013, Úc nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 12.524 tấn thép mạ kẽm, chiếm khoảng 6,9 % nhập khẩu của Úc với riêng sản phẩm này.

Với sản phẩm thép mã kẽm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Úc bị điều tra, có một số mã hàng hóa đang chịu thuế suất 4%, và có mã hàng hóa có mức thuế suất 0%.

Đây là lần thứ hai Úc kiện chống bán phá giá sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, sản phẩm bị kiện trước đó (năm 2013) là máy biến thế.

Trước đó, vào tháng 1-2013, Cục Quản lý cạnh tranh cũng thông báo về việc Chính phủ Indonesia áp dụng biện pháp tự vệ đối với sắt thép cán phẳng nhập khẩu từ các nước vào Indonesia, trong đó có Việt Nam. Vụ việc này cũng bắt đầu từ việc Công ty thép PT Bluescope Steel Indonesia và PT Sunrise Steel tháng 12-2012 nộp đơn khiếu kiện tới Ủy ban tự vệ thương mại Indoneisa (KPPI). Các công này cho biết đã bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng do hàng nhập khẩu tăng mạnh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Indonesia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM