Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề, trong đó nội dung quan trọng phải đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy ra sự cố như Formosa.
Thủ tướng yêu cầu dừng dự án thép Cà Ná
Nhân dân cả nước quan tâm đến dự án thép này, nhất là vấn đề môi trường, cho nên rất đồng tình với quyết định của Thủ tướng.
Bài học Formosa còn rành rành trước mắt, cho nên tất cả những dự án có nguy cơ đe dọa môi trường đều phải được xem xét cẩn thận. Có thể nhìn thấy một ít lợi ích về kinh tế, nhưng cái giá phải trả cho sự hủy hoại môi trường thì không thể tính hết. Vậy thì, đối với dự án thép Hoa Sen - Cà Ná được người đứng đầu Chính phủ đánh giá mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện, thì không thể không dừng.
Trước đây, từng có ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công thương rằng, nếu dự án Thép Hoa Sen - Cà Ná xảy ra sự cố thì Bộ trưởng có từ chức không? Nhưng sẽ không có bất cứ cái chức của cá nhân nào có thể đem ra so được với một thảm họa môi trường, một ông bộ trưởng từ chức hay nhiều hơn thế cũng chẳng bù đắp được gì.
Dừng không có nghĩa là không thực hiện mà chưa được thực hiện. Bộ Công thương và tỉnh Ninh Thuận dù sốt ruột đến mấy cũng cần phải bình tĩnh để giải quyết rốt ráo các vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu, trong đó "lời nặng như núi" là "không xảy ra sự cố tương tự Formosa".
Để môi trường được đảm bảo, trên thế giới lựa chọn cách thông minh nhất là không thực hiện dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các dự án đe dọa gây ra thảm họa môi trường càng bị từ chối. Họ chuyển các dự án đó sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vậy thì chúng ta không thể vì một chút ít tiền hoặc vì giải quyết việc làm mà tạo cơ hội cho các dự án đó bước chân vào Việt Nam, và càng không thể dễ dàng chấp nhận doanh nghiệp trong nước triển khai thực hiện các dự án tương tự. Vedan từng hủy diệt một dòng sông, Formosa giết chết một vùng biển, Bô xít Tây Nguyên đang còn là câu hỏi treo lơ lửng về sự bảo đảm về môi trường, chưa nói là càng khai thác càng lỗ.
Nếu không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết khi đưa ra một quyết định liên quan đến cộng đồng xã hội, thì chắc chắn có thảm họa xảy ra, không chỉ riêng thảm họa về môi trường.
Nguồn tin: Lao động