Thu giảm, chi tăng đang đặt ra mối quan ngại về nguy cơ bất ổn vĩ mô trở lại, mặc dù các nhà điều hành Chính phủ đã tỏ ra lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam.
Hụt thu lớn
Cách đây vài ngày, uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận một bản báo cáo về tình hình tài chính quốc gia trong năm nay. Bảo báo cáo đó do bộ
Quốc hội vào cuối năm ngoái. |
Tài chính soạn thảo thừa nhận rằng, thu ngân sách năm nay có thể giảm 40 – 60 ngàn tỉ đồng so với tổng thu dự kiến 389.900 tỉ đồng mà Chính phủ cam kết trước Quốc hội vào cuối năm ngoái.
Mức sụt giảm dự kiến này, tuy thấp hơn so với 90 ngàn tỉ đồng mà phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đưa ra gần đây, nhưng đang làm lúng túng các nhà hoạch định chính sách tài chính quốc gia.
Nó đặt ra thách thức lớn hơn cho nhu cầu chi lên tới 491,3 ngàn tỉ đồng trong năm nay, mức lớn hơn rất nhiều so với dự kiến thu. Đây là năm đầu tiên trong nhiều năm, nguồn thu đã suy giảm trong bối cảnh nhu cầu chi cho các chương trình kích cầu đang đặt ra những áp lực nặng nề cho ngân sách.
Cần nhớ rằng, ba năm gần đây, thu ngân sách có xu hướng tăng dần từ 26% lên 28% GDP mỗi năm, tức cao hơn so với mục tiêu 21 – 22% GDP/năm trong kế hoạch 2006 – 2010, theo bộ Tài chính.
Báo cáo của bộ Tài chính còn phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới mới có thể công bố, vì vậy, chưa rõ khoản hụt thu ngân sách bao gồm những hạng mục cụ thể nào.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của học viện Tài chính chỉ ra rằng, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm trên 53.314 tỉ đồng trong năm nay do suy giảm từ ba nguồn thu lớn là: thu nội địa (giảm 29.654 tỉ đồng), thu xuất nhập khẩu (giảm 10.280 tỉ đồng) và thu dầu thô (giảm 12.740 tỉ đồng).
Theo bà Nguyễn Thị Hải Hà, một trong những tác giả của nghiên cứu, thu ngân sách, suy giảm được tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chỉ vào khoảng 5,05% trong năm nay.
Tóm lại, khoản hụt thu theo ước tính của Quốc hội, Chính phủ (bộ Tài chính) và các nhà nghiên cứu tuy khác nhau về con số, nhưng cùng có tinh thần chung. Đó là mức thâm hụt thu ngân sách trong năm nay rất lớn.
Phá vỡ cán cân
Cho đến nay, bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như Chính phủ chưa có văn bản nào trình Quốc hội về việc cắt giảm các khoản chi thường xuyên do tác động của giảm thu.
“Điều đó có nghĩa là các ngành, các địa phương có thể yên tâm về các khoản chi ngân sách đã được duyệt. “Có lẽ sẽ không bị cắt giảm”, ông Quách Đức Pháp, viện trưởng viện Khoa học tài chính nói.
Nhưng cũng có khoản chi thường xuyên gây tranh cãi, đặc biệt là việc tăng lương tối thiểu lên 650.000 đồng từ ngày 1.5 tới, mà tổng của nó lên tới 36.600 tỉ đồng, theo tính toán của viện Khoa học tài chính.
Vụ phó vụ Tài chính ngân sách văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Tân thừa nhận: “Có ý kiến là trong điều kiện khủng hoảng thế này, thất nghiệp thế này, lại có một bộ phận công chức được tăng lương. Nên chăng Quốc hội cắt giảm khoản này đi”.
Tuy nhiên, ông Tân nói thêm, Quốc hội đã thông qua kế hoạch này vì có quan điểm lương tối thiểu cũng phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu.
Đến nay, các chú ý đổ dồn vào đề xuất bội chi ngân sách (tăng lên 8%) và phát hành thêm trái phiếu (20 ngàn tỉ đồng) mà Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội sắp tới nhằm ứng phó với các khoản hụt thu ngân sách.
Kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới Martin Rama cho rằng, việc phát hành thêm trái phiếu là tương đối khó khăn vì lãi suất thấp, làm ảnh hưởng đến nguồn bội chi ngân sách. Nhưng có thể, đây không là “vấn đề” cho các nhà điều hành.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan thừa nhận rằng, bội chi ngân sách hàng năm có thể lên tới hơn 10% GDP. Trong khi đó, viện Khoa học tài chính tính toán rằng, dự toán bội chi 4,82% GDP (tức 87,3 ngàn tỉ đồng) sẽ lên tới 7,76% GDP căn cứ vào mức hụt thu 53.314 ngàn tỉ đồng, và không có tăng chi trong ngân sách.
Tính toán đó, dù có vẻ không lạc quan, nhưng chưa kể đến thực tế là Chính phủ đang gấp rút triển khai gói kích cầu lần hai lên đến 8 tỉ USD, sau khi đã tuyên bố gói thứ nhất 6 tỉ USD. Bội chi ngân sách, vì vậy, có thể sẽ không chỉ dừng lại ở mức 8%.
Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Đinh Văn Ân nói: “Bội chi ngân sách như vậy một năm có thể sẽ khắc phục được, nhưng nó tích tụ qua nhiều năm. Đó là vấn đề lớn”.
SGTT