Giá USD tăng đang gây sức ép lên giá phôi thép nhập khẩu. Nguyên nhân này dẫn đến các nhà máy sản xuất thép phải tăng giá bán mặc dù cung đã vượt cầu.
Tỷ giá giữa USD và VND biến động khiến cho chi phí đầu vào của các nhà máy sản xuất thép xây dựng tăng cao.
Trong thời gian gần đây, tỷ giá giữa USD và VND biến động khiến cho chi phí đầu vào của các nhà máy sản xuất thép xây dựng tăng cao. Hiện mỗi USD tăng thêm 1.000 - 1.500 đồng. Mức tăng này đã gây sức ép lên giá phôi thép nhập khẩu khi nhập vào khoảng 600.000 – 800.000 đồng/tấn phôi, khiến các doanh nghiệp đã mua “đắt” thêm khoảng 600.000 đồng/tấn.
Tính từ cuối tháng 10/2010, một số doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Theo đó, giá thép được bán ra phổ biến ở mức từ 13,2 - 13,85 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Trong thời điểm đầu tháng 11, giá thép lại tiếp tục nâng thêm 200.000 – 300.000 đồng/ tấn. Tính từ đầu tháng 10/2010, đây là lần thứ tư giá thép tăng. Mặc dù vậy, các mức tăng này vẫn chưa thể bù đắp cho phần chi phí mà các doanh nghiệp đã phải hứng chịu do sự tăng giá nhanh của USD so với VND.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng “các nhà sản xuất có thể sẽ phải tăng giá bán thép xây dựng tối thiểu là 500.000 đồng/tấn thì mới đủ bù đắp các chi phí. Song việc tăng giá cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chấp nhận của thị trường”.
Theo đại diện của một số đại lý bán thép xây dựng trên địa bàn Hà Nội, hiện giá thép Việt - Úc cả loại cây và cuộn hiện tăng lên 13.350.000 đồng một tấn (chưa tính VAT). Với giá nhập này, đại lý sẽ bán tới tay người tiêu dùng giá 13.500.000 đồng. Còn giá thép Việt – Hàn cũng có giá cao 14.550.000 đồng một tấn, đã bao gồm VAT. Các đại diện này cũng cho biết thêm “từ ngày 4/11, các đại lý thép đều đồng loạt tăng giá và từ nay cho đến mùa xây dựng vào tháng 11 và tháng 12 năm nay, giá thép sẽ còn tăng nữa”.
Hàng năm, tháng 11 và tháng 12 đều là cao điểm của mùa xây dựng, do đó theo ông Nghi, dự báo lượng thép tiêu thụ sẽ tăng mạnh, ước tính sức mua sẽ trên 400.000 tấn/tháng. Mức tiêu thụ này sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất thép tăng giá bán để giảm bớt thua lỗ.
Ngược lại với dự báo của VSA, theo một chủ đại lý bán thép tại đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), thép tăng giá khiến lượng tiêu thụ tính từ đầu vụ tới nay sụt giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này có thể là do nhu cầu thép của thị trường giảm, bên cạnh đó cũng phải nhắc đến mức tăng giá USD với VND, khiến các đại lý năng lực tài chính có hạn giảm lượng hàng.
Nguồn: DDDN