Nhiều người phân vân con số 11/9 có phải là con số "xui" không khi năm 2001, thế giới chứng kiến vụ không tặc khủng khiếp nhất khi 2 máy bay lao vào tòa tháp đôi ở NewYork.
Còn năm nay, ngày 11/9 lại là ngày mở đầu cho cuộc thu hồi rộng lớn các sản phẩm sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc. Tới nay, cuộc khủng hoảng này đã lan rộng ra nhiều quốc gia có nhập khẩu sữa từ 22 hãng sữa được nêu tên ở TrungQuốc.
Cung cách sử dụng melamine khiến người ta giật mình khi nghĩ tới tất cả những vụ việc lên quan đến sản phẩm "Made in China". Cuối năm trước, sủi cảo hoành thánh nhập vào Nhật có xuất xứ từ Trung Quốc gây ngộ độc cho hàng chục người dân xứ "mặt trời mọc". Đầu năm nay, thức ăn cho chó và mèo sản xuất từ Trung Quốc nhập vào Mỹ khiến hàng loạt thú cưng của nhiều gia đình lăn ra chết. Tháng 7 vừa qua, bột nghệ Trung Quốc được bày bán trong hệ thống siêu thị Whole Foods tại California được kiểm định cho kết quả nhiễm thuốc trừ sâu aldica Sukfoxide đã gây kinh hoàng cho người dân ở đây. Có thể còn nhiều vụ nhiễm độc từ sản phẩm "Made in China" khác nữa ở những quốc gia có nhập hàng Trung Quốc chưa được phát hiện do trình độ phân tích hóa nghiệm ở đó còn yếu kém hoặc vì nhiều lý do mà không công bố. Nhưng rõ ràng, trong những năm gần đây, khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới thì những tai nạn khi sử dụng chúng thường xuyên xảy ra.
Trở lại vụ sữa "tam độc" (à quên Tam Lộc) ở Trung Quốc, đã có hàng vạn trẻ bị bệnh, 104 trẻ ở tình trạng nguy kịch, 4 trẻ tử vong. Có thể, những gì gây ra cho trẻ em đều được quan tâm nên mới phát hiện hoạt chất melamine trong sữa Tam Lộc. Và chính thế giới phải ngạc nhiên trước tình trạng những kẻ làm ăn phi pháp ở Trung Quốc đã chẳng ngại ngần gì khi gây độc cho chính trẻ em Trung Quốc. Vụ sữa nhiễm độc không chỉ gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng Trung Quốc mà còn làm cho các sản phẩm có nguồn gốc từ nước này bị người ta đặt dấu chấm hỏi. Chuỗi các quốc gia cấm nhập sữa và các chế phẩm (sữa chua, kem, bánh…) ngày một dài ra: Singapore, Indonexia, Malaixia, Brunei…
Từ vụ việc sữa nhiễm độc ở Trung Quốc, có thể thấy, những tùy tiện, cẩu thả trong kinh doanh của doanh nghiệp có thể tàn phá uy tín quốc gia một cách nhanh chóng. Ngay trong giới doanh nghiệp Việt Nam, không ít doanh nghiệp vì sự cẩu thả, hám lợi của mình mà từng gây ra nguy cơ mất thị trường cho các sản phẩm Việt Nam. Các vụ dư lượng Choraphenicol trong tôm là một ví dụ. Măc dù đã được cơ quan an toàn thực phẩm của Nhật cảnh báo nhưng tình trạng dư lượng hóa chất quá mức vẫn tồn tại. Nhật Bản đã từng bước nâng mức kiểm tra mẫu sản phẩm tôm, mực nhập vào Nhật từ Việt Nam lên 50% rồi có lô tới 100%. Điều này có nghĩa, nếu chỉ một lần phát hiện có dư lượng kháng sinh, sản phẩm tôm, mực của Việt Nam sẽ bị cấm nhập vào Nhật.
Hiện nay, đối với cá tra nhập vào Liên bang Nga của ta cũng có tình trạng chất lượng hàng hóa giảm sút nghiêm trọng. Năm 2007, chỉ có 16 lô hàng xuất vào Nga bị cảnh báo về chất lượng không đảm bảo (lẫn tạp chất, tồn nhiều hóa chất bảo quản…). Tám tháng năm nay, đã có 38 lô hàng bị cơ quan chức năng Nga cảnh báo vì chất lượng không đảm bảo. Trước mắt, điều này sẽ làm giảm dần lượng cá tra tiêu thụ ở Nga- một thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao. Nếu kéo dài, không chỉ Nga và các nước Ucraina, Ai Cập rồi EU sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn và hạn chế nhập cá tra của Việt Nam.
Theo VASEP, 8 tháng năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 413.000 tấn cá tra, cá ba sa. Riêng Nga nhập 83.000 tấn. Rõ ràng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận thức rõ vấn đề chất lượng là uy tín sản phẩm xuất đi các nước. Đó không còn là uy tín của riêng doanh nghiệp nữa, mà còn là uy tín đất nước, là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nền kinh tế và công ăn việc làm của hàng triệu lao động nước nhà.
Hanoinet