Tác động của lạm phát kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng của bất động sản (BĐS), thị trường vật liệu xây dựng(VLXD) đang rơi vào tình trạng ế ẩm.
Các doanh nghiệp (DN) xây dựng lo lắng, tình hình tài chính từ nay đến cuối năm còn khó khăn hơn năm 2008. Nếu không có sự cải thiện về thị trường cũng như nguồn vốn, DN có nguy cơ thua lỗ nặng.
Báo cáo của Bộ Xây dựng, sáu tháng đầu năm, sản xuất ximăng toàn ngành đạt khoảng 25,33 triệu tấn, ước tiêu thụ 25,07 triệu tấn ximăng tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 46,5% kế hoạch năm 2011. TCty Công nghiệp Ximăng Việt Nam (VICEM) cho biết, tính đến hết ngày 30.6, tổng sản phẩm tồn kho là 1,35 triệu tấn, trong đó clinker 1,02 triệu tấn, ximăng bột 0,3 triệu tấn.
Cũng trong tình trạng hàng tồn kho còn nhiều, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tồn kho của các DN đến thời điểm hiện nay gần 500.000 tấn và hầu hết chỉ sản xuất 50% - 60% công suất. Theo tính toán của VSA, mức lãi mà các DN thép phải trả đối với lượng hàng tồn kho này khoảng gần 150 tỉ đồng/tháng.
Đại diện của VSA cho biết, trong quý II/2011 lượng thép tiêu thụ giảm khá mạnh, dẫn đến hàng loạt DN ngành thép kinh doanh khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam chỉ đạt 560 tỉ đồng, bằng 18% kế hoạch năm. Ông Dương Khánh Toàn - TGĐ Tập đoàn cho hay, chỉ tiêu lợi nhuận thấp so với kế hoạch do thiếu vốn ở nhiều công trình lớn. Nợ lớn, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến hiệu quả kinh doanh giảm sút. Sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho tập đoàn là kinh doanh nhà và đô thị cũng gặp khó do thị trường đóng băng.
Theo ông Lê Văn Chung - Chủ tịch HĐQT TCty Vicem cho rằng, bối cảnh hiện nay còn khó khăn hơn cả thời kỳ kinh tế khủng hoảng năm 2008, bởi thời kỳ đó DN còn nhìn thấy động lực để sản xuất kinh doanh, còn hiện nay DN "không thể làm gì được".
Những khó khăn mà DN gặp phải, đó là chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng ở mức 2 con số, đơn cử như giá than tăng 41% từ đầu tháng 4/2011; giá xăng dầu tăng từ 32-43%; giá thép tăng gần 30%; điện tăng 15,28%, vỏ bao tăng khoảng 25%.
Còn theo đại diện VSA, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên của ngành thép là do nhiều tỉnh, thành cắt giảm đầu tư công. Mặt khác, thời gian qua hàng loạt nhà máy thép đầu tư không bài bản, theo phong trào và phớt lờ các cảnh báo của cơ quan chức năng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, thị trường BĐS có tính liên thông với thị trường vật liệu xây dựng. Khi thị trường BĐS gặp khó khăn, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp những khó khăn. Lượng tiêu thụ ximăng trong 4 tháng gần đây, tháng sau tiêu thụ chậm hơn tháng trước. Sắt thép cũng tồn kho rất lớn. Hầu hết nhà sản xuất bêtông từ cọc chịu ứng lực đến các kết cấu bêtông lắp ráp hiện nay tồn kho cũng tăng gấp đôi. Công nhân đã bắt đầu phải nghỉ việc.
"Tình trạng này đã và đang vượt quá sức chịu đựng của các DN cũng như tập đoàn. Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có giải pháp giảm lãi suất huy động và cho vay để các DN sản xuất kinh doanh tối thiểu không bị thua lỗ do chi phí tài chính" - ông Dương Khánh Toàn - TGĐ Tập đoàn Sông Đà kiến nghị.
Đại diện của HUD cũng đề nghị, Chính phủ cần phải xem xét lại chính sách tiền tệ cho hợp lý, để thắt chặt không dẫn đến đình đốn sản xuất; có biện pháp tháo gỡ về vốn và lãi suất, nếu không, nhiều đơn vị sẽ không trả được nợ.
Nguồn tin: Lao động