Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay, cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đều có báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm.
Xuất khẩu giảm mạnh, nhập siêu lớn, thu hút và FDI chưa thể tăng trở lại, vì vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề cân đối ngoại tệ trong các tháng tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay, cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đều có báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm. Quan điểm của 2 bộ khá trùng khớp khi đề cập tới vấn đề cung cầu ngoại tệ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 có dấu hiệu tăng lên so với tháng 4, nhưng kim ngạch nhập khẩu tháng 5 cũng đạt mức cao nhất so với 4 tháng trước. Xuất khẩu 5 tháng đạt 22,86 tỷ USD, giảm 6,8% và nếu loại trừ đá quý, kim loại quý (khoảng 2,6 tỷ USD) thì mức giảm lên đến 13,4%. Nhập siêu 5 tháng hiện ở mức tương đương 5% kim ngạch xuất khẩu và nếu không tính tới thành tích xuất khẩu vàng miếng, nhập siêu lên đến 18,4% kim ngạch xuất khẩu.
Từ nay tới cuối năm, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu nhất là vật tư, thiết bị cho đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tăng nhiều. 5 tháng đầu năm lượng vốn FDI thực hiện chỉ đạt 2,8 tỷ USD, bằng 70,9% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký mới còn giảm mạnh hơn, chỉ đạt 2,7 tỷ USD, bằng 10,8% cùng kỳ.
Bộ Tài chính cùng chung quan điểm khi dự báo cán cân thanh toán năm 2009 vẫn còn nhiều khó khăn do suy giảm xuất khẩu và đầu tư. Kim ngạch nhập khẩu có xu hướng tăng nhanh hơn kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, thâm hụt thương mại dự báo sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm. Tác động của dòng vốn ra trong năm 2009 đã bớt áp lực hơn năm 2008, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá kỹ biến động thị trường.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giữ nguyên biên độ giao dịch tỷ giá hiện nay (cho phép các ngân hàng để giá giao dịch ở mức ± 5% so với tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày). Cơ quan này cũng đề nghị áp dụng các biện pháp kinh tế can thiệp thị trường ngoại hối như nghiệp vụ hoán đổi, mua bán kỳ hạn các loại ngoại tệ... để giúp các ngân hàng thương mại tránh tình trạng ứ đọng vốn ngoại tệ.
Nguy cơ tăng nóng tín dụng cũng là vấn đề được cả 2 bộ nhắc tới. Tăng trưởng tín dụng đang vượt qua tốc độ tăng huy động của các ngân hàng. Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 31/5 ước đạt hơn 1.800 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cuối năm ngoái. Tổng đầu tư cho nền kinh tế đến cuối tháng 5 ước đạt hơn 1.500 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cuối năm ngoái, trong đó tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 1.460 nghìn tỷ đồng tăng 14,9%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND chiếm phần lớn, ước đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2008. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,6 tỷ đồng, giảm 6,3%.
Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng 13,6% so với cuối năm 2008. Riêng huy động vốn VND ước đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4%. Huy động vốn bằng ngoại tệ ước đạt 330.000 tỷ đồng, tăng 4,7%.
Theo Bộ tài chính, cần lưu ý việc gia tăng dư nợ tín dụng và xu hướng các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền. Cơ quan này đề nghị nên tiếp tục duy trì các mức lãi suất cơ bản hiện tại song vẫn phải kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống dưới 30%. Lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam vẫn duy trì ở mức 7%. Trong khi đó, lãi suất huy động của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước hiện trong khoảng 7,2-8% một năm, nhóm ngân hàng cổ phần 7,5-9%. Lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng hiện ở trên 10%.
VnExpress