Nhìn toàn cảnh kinh tế vĩ mô trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát và tỷ giá vẫn là hai thách thức lớn nhất của năm 2011.
Tại phiên họp mở rộng của uỷ ban Kinh tế Quốc hội hôm qua (15.2), ông Vũ Viết Ngoạn, phó chủ nhiệm uỷ ban, cho rằng: từ tỷ giá sẽ gây sức ép đến những cân đối khác và tiếp tục đè nặng, gây sức ép lên lạm phát. “Sức ép lạm phát năm nay còn lớn hơn năm 2010”, vị cựu tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank này nhận định. Theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá cần phải kịp thời, bởi nếu không, kỳ vọng vào tỷ giá nhiều quá sẽ gây những ảnh hưởng tâm lý. Ông cho rằng trong thời gian tới, nếu việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản như điện, than, xăng dầu... có thể tác động không lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng sẽ tác động rất đáng kể đến tâm lý thị trường. Do đó, cần phải có những biện pháp để kiểm soát được tâm lý này.
Ông Nguyễn Đức Kiên, uỷ viên thường trực uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: “Trong quý 2, một mặt bằng giá mới có khả năng được hình thành khi giá điện, giá xăng... được điều chỉnh. Giá cả của những mặt hàng này tăng sẽ đi thẳng vào chi phí, giá thành sản xuất của doanh nghiệp”.
Vị đại diện của Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp, cũng đồng ý rằng áp lực lạm phát năm 2011 cao hơn năm 2010 dù tình hình kinh tế vĩ mô nhìn chung có dấu hiệu ổn định hơn. “Không những thế, tình hình đang tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát. Vừa qua, nhiều địa phương bỏ nguồn tiền lớn để “bình ổn giá” nhưng chính việc này lại làm méo mó giá cả thị trường”, vị đại diện này nhận xét.
Cũng tại buổi họp nói trên, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã trần tình rất kỹ về việc vì sao đến giờ mới điều chỉnh tỷ giá. Theo ông Giàu, từ tháng 10 năm trước, khi xuất hiện dấu hiệu mất cân đối, làm căng cứng tỷ giá, ông đã đề nghị điều chỉnh tỷ giá vào tháng 11. “Nhưng các bộ trưởng (tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ) đã không ủng hộ đề nghị của chúng tôi với lý do có thể gây lạm phát. Còn hiện tại, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ tăng trên 7% chứ không phải trên 9% như báo chí nêu”, ông Giàu nói. Ông cũng cho biết thêm: việc điều chỉnh tỷ giá chậm nên đã phải dùng nguồn lực lớn để can thiệp thị trường. “Bài toán tỷ giá còn khó giải một khi vẫn còn nhập siêu. Nhưng những vấn đề sâu xa hơn như tái cơ cấu nền kinh tế... thì chúng ta vẫn chưa bàn sâu, kỹ để giải quyết tận gốc”, ông nói.
Ông Trịnh Đình Dũng, thứ trưởng bộ Xây dựng đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn kinh phí từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ. Theo ông, vốn trái phiếu chỉ nên dùng cho những dự án, công trình cấp bách nhưng thực tế “các địa phương cứ xin được là phấn khởi dù có những công trình chưa cấp thiết...” |
Để vượt qua những thách thức lớn của năm 2011, thống đốc Nguyễn Văn Giàu thẳng thừng cho rằng phải giảm đầu tư, có biện pháp cụ thể nhằm giảm tổng cầu như từng bộ, ngành, địa phương lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu, đầu tư... Ông bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng ngay trong dịp tết Nguyên đán vừa rồi, mặc dù giá cả tăng cao nhưng tốc độ chi tiêu của người dân không giảm, thậm chí vẫn rất cao, trái ngược hẳn với xu hướng tiêu dùng thông thường ở các quốc gia khác là khi khó khăn, người dân thường ngay lập tức tiết kiệm, giảm chi. Về phía ngân hàng Nhà nước, ông Giàu cho biết, sẽ quyết liệt thực hiện các biện pháp để tăng trưởng dư nợ không quá 23% trong năm nay (WB khuyến cáo không nên quá 20%, IMF đề nghị không quá 15%) và dần dần hạ lãi suất.
Ông Giàu cũng dẫn ra một số khuyến cáo khác của IMF, WB và tỏ ra đồng tình với các khuyến cáo này: không nợ công, giảm thâm hụt ngân sách, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty có báo nợ nước ngoài trình Quốc hội hàng năm, thực hiện kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế, Chính phủ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước...
Các chuyên gia kinh tế trong uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng tỏ ý tán thành ý kiến của thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, giảm tổng cầu là đúng. “Thực tế mấy năm qua ta cứ làm ngược với nhận định của ta khi ngay từ khâu lập kế hoạch, vẫn để tổng đầu tư lớn hơn 40% GDP, tức là ta vẫn cứ chấp nhận thâm hụt cán cân vãng lai. Cho nên, cần phải có chính sách cụ thể cho năm nay”, ông nói. Cũng theo ông Ngoạn, phải bắt tay ngay vào tái cơ cấu đầu tư bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, chú ý bảo vệ môi trường; giảm đầu tư công và khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. “Đặc biệt lưu ý là vấn đề nhập siêu. Nếu xử lý nhanh và mạnh hơn nữa thì càng tốt”, ông Ngoạn nhấn mạnh. Tiến sĩ Trần Du lịch, thành viên uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đề nghị: “Chính sách tiền tệ, tài khoá phải nhịp nhàng, giữ được giá trị tiền và loại trừ nguy cơ tái lạm phát”.
Nguồn: SGTT.VN