Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vẫn để ngỏ khả năng tăng dự trữ bắt buộc VND

Khả năng tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc VND vẫn để ngỏ theo diễn biến của chỉ số lạm phát. Tốc độ tăng CPI trong tháng 4.2011 của cả nước là 3,32%.

Tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9,64%. Lãi suất thị trường đầu tháng 5.2011 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá tháng 5.2011 được dự đoán vẫn ở mức cao.

Dư luận vẫn đặt câu hỏi sẽ phải tiếp tục làm gì để giảm lạm phát? Và cũng như mọi lần, mọi sự chú ý lại dồn vào chính sách tiền tệ và công cụ dự trữ bắt buộc đã được nhắc đến mấy tháng nay với các lý do:

1. Theo nguyên lý thông thường, nếu lạm phát quá cao thì phải hạn chế số nhân tiền từ kênh ngân hàng ra lưu thông; 2. Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Trung Quốc ngày 17.4 vừa rồi thông báo tăng thêm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và hoạt động cho vay tăng mạnh.

Từ ngày 21.4, các NHTM Trung Quốc phải giữ 20,5% số tiền gửi tại ngân hàng làm tiền dự trữ trong khi đó tỉ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng của các NHTM Việt Nam hiện nay mới chỉ từ 1-3%/tiền gửi VND; 3. Có thể Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho đến nay vẫn giữ ý kiến nên tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc thay cho quy định NHTM chỉ được cho vay 80% lượng vốn huy động như đã đề xuất đầu năm nay...

Nên thận trọng

Khi quyết định tăng dự trữ bắt buộc cần phải tính đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Bối cảnh lạm phát của Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống Trung Quốc. Quyết định tăng dự trữ bắt buộc của Trung Quốc được đưa ra vì tiền từ kênh cho vay của các NHTM nước này trong tháng 3.2011 vẫn tăng mạnh mặc dù chính phủ đã thực hiện những biện pháp hạn chế cho vay để kiềm chế sự phát triển quá nóng của nền kinh tế.

Ở Việt Nam, do chính sách tiền tệ thắt chặt cộng với khó khăn trong huy động vốn VND từ tháng 3.2011 đến nay hầu như các NHTM đã ngừng tăng trưởng tín dụng VND chỉ tập trung thu hồi nợ về.

Nguồn vốn huy động VND hơn 4 tháng đầu năm ở nhiều NH đang sụt giảm mạnh cho dù lãi suất huy động chui ở các NHTM đã vượt xa trần 14%/năm. Các NH đang tập trung quyết liệt cho công tác huy động vốn VND để phòng ngừa thanh khoản chứ không phải để tăng dư nợ. Tình hình cho thấy lượng tiền đồng trong quỹ của hệ thống ngân hàng không còn nhiều nữa.

Việc tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng trong lúc này không giải quyết được vấn đề gì vì số tiền dự trữ tập trung vào NHNN cũng không được là bao mà hậu quả làm tăng chi phí vốn của các NHTM, khiến thanh khoản tiền đồng của các NHTM đã khó càng khó khăn hơn, vốn ngân hàng sẽ không tiếp sức được cho sản xuất - kinh doanh.

Điều này khác với phân tích của ông Lê Đức Thúy hồi tháng 2.2011 rằng tăng dự trữ bắt buộc sẽ khiến nguồn tiền chảy về NHNN, giúp điều hòa nền kinh tế tốt hơn mà không làm tăng chi phí vốn của các nhà băng, đảm bảo thanh khoản tốt hơn.

“Van” tài khoá phải đóng

Tiền vào lưu thông qua hai kênh chính là tài chính và tiền tệ (giống như nước vào bể thông qua hai van). Hiện nay xem ra van chính sách tiền tệ đã đóng quá chặt (biểu hiện là nền kinh tế đang rất thiếu vốn tiền đồng). Những động thái của chính sách tiền tệ và những con số định lượng đã được công bố rõ ràng và thị trường có thể kiểm chứng. Nhưng đến nay người ta chưa được biết van tài chính đã đóng đến đâu. Các nhà hoạch định chính sách nên phải có những dữ liệu chính xác và những phân tích toàn diện tình hình để quyết định liều lượng chính sách. Nếu thấy đúng là chính sách tiền tệ đã hết dư địa mà vẫn chưa kiềm chế được lạm phát thì phải cắt giảm mạnh hơn nữa đầu tư công và công bố công khai số dự án, số tiền cắt giảm. Không nên cắt giảm gượng nhẹ theo kiểu “muối bỏ biển”.

Có thể NHNN biết rất rõ khó khăn của hệ thống và nền kinh tế nếu tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khá khác nhau về vấn đề này ngay trong những nhà hoạch định chính sách. Có ý kiến nói ra chưa thể tăng dự trữ bắt buộc lúc này vì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng (thậm chí phải lên đến gần 10%) và dùng các biện pháp khác để xử lý vấn đề thanh khoản ngân hàng... Điều này cho thấy, có thể chưa có một quyết định rõ ràng về vấn đề dự trữ bắt buộc cho đến khi có số liệu CPI tháng 5.2011.

Việc tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng, cho dù mức tăng rất thấp mang tính tượng trưng/hoặc chỉ tăng như một hình thức phạt đối với các NHTM không giảm được dư nợ cho vay phi sản xuất theo lộ trình quy định thì cũng nên cân nhắc hậu quả do tác động tâm lý của quyết định này đối với thị trường tài chính nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Nguồn Tin: Laodong

ĐỌC THÊM