Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vấn đề tỷ giá 2011 - Quả bóng trong chân Ngân hàng Nhà nước

Hiện nay, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường tự do lớn hơn tỷ giá niêm yết khoảng 8%. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 4 tháng qua và đang tạo ra nhiều áp lực. 

Biến động tỷ giá và nguyên nhân

Kể từ sau đợt nâng tỷ giá liên ngân hàng từ 18,544 lên 19,532 VND/USD vào ngày 17/08/2010 đến nay, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do luôn vượt tỷ giá niêm yết chính thức.

Vào đầu tháng 12/2010, tỷ giá có lúc đã tiến sát mốc 22,000 VND/USD. Trong 3 tuần trở lại đây, tỷ giá trên thị trường tự do được giao dịch khá bình ổn quanh mốc 21,000VND/USD, cao hơn gần 8% so với tỷ giá niêm yết.

Nguyên nhân chính của việc tỷ giá biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ tâm lý người dân.

Lòng tin vào tiền đồng suy giảm khiến cho người dân tăng cường giao dịch và tích trữ ngoại tệ. Bằng chứng dễ thấy nhất là tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế tăng khá mạnh và tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng USD trong năm 2010 vượt trội so với tín dụng đồng nội tệ.

Nguyên nhân quan trọng khác là năm 2010, Việt Nam tiếp tục bị thâm hụt cán cân thanh toán. Mức thâm hụt này ước tính vào khoảng 2.5 tỷ USD, thấp hơn dự tính ban đầu là 4.5 tỷ USD.

Những khoản mục chính trong cán cân thanh toán năm 2010 là nhập siêu hàng hóa 12.4 tỷ USD; nhập siêu dịch vụ 0.86 tỷ USD; vốn FDI giải ngân ròng khoảng 8 tỷ USD; vốn FPI (không tính 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ phát hành quốc tế) đổ vào khoảng 1 tỷ USD; lượng kiều hối khoảng 8 tỷ USD và khoảng 3 tỷ USD vốn ODA giải ngân.

Các tính toán sơ bộ của chúng tôi cho thấy dòng tiền ròng nước ngoài đổ vào Việt Nam năm 2010 vẫn là số dương. Điều này cũng cho thấy USD trong nền kinh tế không phải là quá khan hiếm.

Những phân tích trên một lần nữa chứng minh tỷ giá biến động mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do tình trạng đô la hóa tăng mạnh trong nền kinh tế.

 

Biến động tỷ giá USD/VND từ năm 2008 đến nay

 

VND giảm giá so với hầu hết các ngoại tệ, tăng giá 3.57% so với EUR

Kể từ đầu năm 2010 đến nay, theo tỷ giá chính thức thì tiền đồng đã giảm 5.5% giá trị so với đồng USD, từ mức 18,482 lên 19,500 VND/USD. Xét theo tỷ giá thị trường tự do thìVND đã giảm giá 8.37%, từ mức 19,340 lên 21,000 VND/USD.

Năm 2010, đồng USD mất giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. USD mất giá 9.8% so với JPY (Nhật Bản), 8% so với AUD (Australia) và mất 7-10% so với 3 đồng tiền của các nước Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng chính sách tỷ giá thả nổi có điều tiết và VND được neo theo USD. Tỷ giá giữa VND so với các đồng tiền khác được quy đổi chéo giữa USD với đồng tiền đó và giữa USD với VND. Do vậy, việc VND mất giá so với USD và USD lại mất giá so với các đồng tiền khác làm cho VND càng mất giá mạnh so với các tiền tệ đó.

Tính từ đầu năm 2010 đến nay theo tỷ giá chính thức, VND mất giá 17% so với đồng JPY (Nhật Bản), 16% so với MYR (Malaysia), 15.8% so với THB (Thái Lan), 8.76% so với CNY (Trung Quốc).

Tuy nhiên, VND lại tăng giá 3.57% so với EUR do đồng tiền này mất giá 9.4% so với USD.

 

Biến động tỷ giá một số đồng tiền so với VND đầu năm 2010 đến 05/01/2011

 

Quả bóng trong chân Ngân hàng Nhà nước

Việc tiền đồng mất giá khá mạnh so với các đồng tiền khác có tác động tích cực giúp gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng gánh nặng nợ của Việt Nam, đặc biệt là lượng nợ công tính bằng đồng Yên Nhật.

Ngoài ra, việc tiền đồng mất giá mạnh so với USD trong khi đồng tiền của các quốc gia khác lại lên giá cho thấy kinh tế Việt Nam tồn tại khá nhiều yếu tố chưa ổn định.

Hiện nay, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do lớn hơn tỷ giá niêm yết khoảng 8%. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 4 tháng qua và đang tạo ra nhiều áp lực. Tình trạng hai tỷ giá chênh lệch lớn và kéo dài để lại rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Các ngân hàng, người dân buộc phải lách luật trong trao đổi ngoại tệ dù họ không hề muốn. Những thiệt hại về chi phí giao dịch và rủi ro pháp lý là có thể nhận thấy được.

Ngoài ra, thực tế thì các doanh nghiêp người dân đều phải mua theo tỷ giá thị trường. Do vậy, việc giữ tỷ giá chính thức ở mức thấp không mang lại lợi ích nào cho họ. Ngược lại, điều này làm tăng độ rủi ro và chí phí giao dịch cho toàn bộ nền kinh tế.

Việc đưa tỷ giá giao dịch trên thị trường về bằng với tỷ giá niêm yết là điều gần như không thể,dù bằng biện pháp hành chính hay NHNN bán ngoại tệ ra thị trường. Do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá chính thức cho phù hợp với quy luật của thị trường là rất cần thiết. Vấn đề quan trọng hơn lúc này là lựa chọn mốc thời gian nào có lợi nhất.

Vào ngày 11/02/2010, NHNN nâng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng từ mức 17,984 lên 18,544, đưa tỷ giá trần lên mức 19,100 VND/USD (nâng 4%). Trước đó, tỷ giá chính thức và phi chính thức chênh lệch khoảng 4.1%. Việc điều chỉnh này đã có tác động rất tích cực sau đó.

Đối với thị trường chứng khoán, chắc chắn việc giảm giá VND sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn thì đây là một chính sách có lợi đối với cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc tỷ giá dần ổn định (điều này quan trọng hơn là tỷ giá ở mức nào) sẽ khuyến khích dòng vốn nước ngoài giải ngân vào thị trường.

Trong khi đó, xét về lạm phát thì ảnh hưởng của việc giảm giá sẽ không nhiều, vì thực tế các doanh nghiệp vẫn đã phải mua ngoại tệ và nhập khẩu bằng tỷ giá thị trường. Tuy nhiên, việc nhiều hàng hóa “đua” theo tỷ giá có lẽ là điều không thể tránh khỏi.

Như vậy, “quả bóng” tỷ giá hiện nay đang nằm trong chân NHNN, và  thời điểm lựa chọn để “sút quả bóng” này có thể là lúc ít gây chú ý nhất. Gần Tết âm lịch chăng?

Nguồn:Vietstock

ĐỌC THÊM