Giá bán xi măng của nhà cung cấp đang nắm giữ 40% thị phần xi măng là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã điều chỉnh tăng thêm 50.000đ/tấn.
Nhiều nhà máy xi măng không chủ động sản xuất do thiếu than
Thông tin này vừa được đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam thừa nhận và cho biết, việc tăng giá là việc bắt buộc phải thực hiện bởi lý do tỷ giá, trong khi một số loại nguyên phụ liệu sản xuất xi măng đang phải nhập khẩu, đã tác động trực tiếp đến tăng giá đầu vào.
Giá vật tư, nhiên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là thiếu điện trầm trọng, than tăng từ 35% - 60%, điện tăng 6,8%, xăng dầu tăng 9%, nhựa tạo sợi tăng 20%, giấy tăng 12,6%...
Ngoài lý do tỷ giá, một thông tin cũng được vị đại diện này xác nhận là giá xi măng buộc phải tăng là còn do nguồn cung than đang gặp khó khăn, một số nhà máy không chủ động được kế hoạch sản xuất nên phải giảm công suất hoặc tạm ngưng sản xuất.
Theo báo cáo của Vicem, tình hình cung ứng than trong tháng 8 và tháng 9/2010 gặp nhiều khó khăn, do nguồn cung cấp than hiện không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến các đơn vị sản xuất của Vicem đều trong tình trạng khan hiếm và ăn đong. Nhiều đơn vị đã phải cho dừng lò sản xuất vì không còn đủ than sản xuất khiến sản lượng giảm và tình hình này chưa thể cải thiện được trong thời gian ngắn.
Dự kiến tuần tới, Công ty Thép Việt sẽ điều chỉnh giá thép tăng thêm khoảng 300.000 đồng/tấn do chi phí sản xuất đầu vào gần đây bắt đầu tăng nhẹ.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nếu giá thép phế, phôi nhập khẩu tiếp tục tăng, cộng với tỷ giá USD biến động, khả năng giá thép trong nước sẽ tăng theo từ đây đến cuối năm là có thể xảy ra.
Theo VSA, các doanh nghiệp ngành thép trong nước hiện đang rơi vào tình trạng cạnh tranh khốc liệt do cung đã vượt xa cầu. Nhu cầu thép cả nước dao động ở mức 5 triệu tấn/năm, nguồn cung lại đạt 8 triệu tấn.
Nguồn: Xã Luận