Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vật liệu xây dựng: "Ế" vẫn tăng giá

Theo quy luật đến thời điểm này hàng năm, thị trường vật liệu xây dựng “được mùa”. Tuy nhiên năm nay, thị trường này khá yên ắng, sức tiêu thụ chậm, nhưng giá vẫn tăng.

Thiếu việc...

Anh Hòa - chủ thầu xây dựng ở thôn Nam Phú, Phú Huyên, Hà Nội than thở: Thường đến thời điểm này hàng năm, đội thi công của anh gồm 10 nhân công nhận được nhiều công trình xây dựng dân dụng, nhưng năm nay cả đội gần như... ngồi chơi. Từ đầu năm mới nhận được 2 công trình nhỏ, tính ra chỉ đủ việc cho 4 người. Cộng thêm giá cả tăng từng ngày và lãi suất ngân hàng quá cao (khoảng 20%) nên công việc làm ăn rất khó khăn.

Lý giải cho sự thiếu việc làm, nhiều chủ thầu xây dựng cũng cho rằng do giá vật liệu xây dựng tăng liên tục trong thời gian qua nên nhiều công trình không chỉ của nhà nước mà cả tư nhân buộc phải đình hoãn, giãn tiến độ. Nhiều gia đình có kế hoạch xây nhà từ năm ngoái, nhưng trước thực trạng giá cả các mặt hàng tăng cao nên đã quyết định hoãn thi công, chờ giá vật liệu giảm.

“Ế” vẫn tăng giá

Chị Oanh - chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Nguyên Oanh ở xã Tây Mỗ, Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, hầu như tất cả các vật liệu xây dựng đều tăng giá trong thời gian gần đây, dù sức tiêu thụ chậm. Có tuần đại lý chỉ bán được vài cây thép. Gạch lát nền Hạ Long có giá bán là 95.000 đồng/m2. Đá ốp cũng có mức tăng khoảng 5.000- 10.000 đồng/m2, đang được bán ra ở mức 150.000 đồng/m2. Gạch xây tăng khoảng 100 đồng/viên, cát tăng khoảng 50.000 đồng/xe khoảng 13m3... Riêng giá thép có dấu hiệu chững lại. Đối với đơn hàng có giá trị lớn mới mong có lãi, còn với những khách mua số lượng nhỏ thì chỉ bán để giữ khách mà thôi.

Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi sức mua thấp nhưng tại sao giá vẫn tăng nhiều chủ đại lý VLXD khẳng định, giá tăng do nhiều yếu tố khách quan, trong đó đến từ nhà sản xuất, giá vận chuyển tăng, giá nhân công, điện tăng nên phải tăng theo. Còn hiện tại, tình hình kinh doanh của nhiều đại lý cũng đang rất khó khăn.

Hai mặt hàng được coi là quan trọng nhất đối với các công trình xây dựng là thép và xi măng cũng có tăng với các mức khác nhau từ đầu năm đến nay cho dù những người đứng đầu những ngành này khẳng định “năng lực sản xuất của các đơn vị trong nước hiện đang thừa”.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép trong nước còn phụ thuộc giá thế giới nên khi giá thế giới giảm, giá trong nước sẽ giảm theo và ngược lại. Năng lực sản xuất của các đơn vị trong và ngoài Hiệp hội ở mức khoảng 900.000 tấn/năm, nhưng mức tiêu thụ chỉ khoảng một nửa. Vì vậy sẽ không có chuyện thiếu thép cho thị trường.

Quý II/2011, do cung vượt cầu lớn nên giá thép có thể chững lại hoặc giảm nhẹ ở cả thị trường miền Bắc và miền Nam. Dự báo 6 tháng tới đây, giá thép sẽ theo chiều hướng giảm do nhu cầu giảm và giá nguyên liệu nhập khẩu giảm.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hai tháng đầu năm lượng tiêu thụ đối với mặt hàng này chỉ đạt 6,2 triệu tấn, thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước là 7 triệu tấn. Trên thực tế từ đầu tháng hai, một số doanh nghiệp trong ngành xi măng đã điều chỉnh tăng giá thêm 60.000 đồng/tấn và bán ra ở mức từ 900.000 đồng- 1,36 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại và khu vực.

Sau khi giá xăng dầu và giá điện chính thức được điều chỉnh tăng, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xem xét, chưa công bố về mức giá mới. Sức mua hiện không cao sẽ khiến các công ty xi măng có quy mô nhỏ với công suất chỉ 100.000 tấn/năm rất khó có thể tăng giá bán, thậm chí còn phải đối mặt với thua lỗ do các yếu tố đầu vào liên tục tăng cao.

Nguồn tin: GTVT

ĐỌC THÊM