Tồn kho 390.602 tấn thép
Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 9/2011 và 9 tháng đầu năm 2011 giảm so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 9 tháng 2011 toàn Hiệp hội sản xuất được 3.740.336 tấn. Tổng số thép bán được trong 9 tháng đầu năm 2011 là 3.645.875 tấn; lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính tới 30/9/2011 là 390.602 tấn.
Nguyên nhân được ông Cường nhắc tới do việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, nên thị trường bất động sản bị đóng băng, nhiều công trình đầu tư bị cắt giảm, đình hoãn, thị trường thép trong nước liên tục bị thu hẹp kể từ quí II/2010 đến nay. Do vậy, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép thực sự gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, buộc phải giảm giá để tiêu thụ hàng, trong khi chi phí mua nguyên vật liệu trong nước và nhập khẩu thì vẫn tiếp tục tăng giá.
Nhìn vào biểu đồ diễn biến giá bán thép xây dựng trong nước đã thấy sự tách rời khỏi xu hướng giá thế giới trong thời gian qua. Kể từ tháng 5/2011 giá thép xây dựng của thế giới đi lên, còn giá ở thị trường trong nước lại đi theo chiều hướng đi ngược lại. So với giá thép xây dựng cuối năm 2010 giá thép thế giới đã tăng 14% trong khi giá thép xây dựng chỉ tăng gần 10%.
Đặc biệt, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sang tháng 9/2011, các DN sản xuất thép buộc phải tăng giá niêm yết, mức giá mới theo các DN là “cũng chỉ tính đủ mức hòa vốn để không bị lỗ”, một số DN trước đó đã bán thép dưới giá thành chịu lỗ. Tuy nhiên, thực tế giá bán thép vẫn đang ở mức thấp vì sang tháng 9 tiêu thụ thép đã chững lại do mưa bão và lũ lụt ở nhiều vùng trong nước. Tại một số địa phương, giá bán lẻ thép xây dựng trong tháng 9/2011 đã tăng 200.000 - 400.000 đồng/tấn. Hiện giá bán lẻ thép xây dựng ở miền Bắc phổ biến ở mức 17,8 - 18,6 triệu đồng/tấn, ở miền Nam phổ biến ở mức 18,2 - 18,8 triệu đồng/tấn.
“Chết thảm hại” theo bất động sản
Theo số liệu Tổng cục Hải Quan, từ 1/1/2011 tới 31/8/2011 tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam đạt 1.359.107 tấn với kim ngạch đạt 1 tỷ 272 triệu USD. Dự báo, theo thông lệ quí 4 hàng năm là mùa xây dựng và kết thúc năm kế hoạch nên lượng ống thép bán ra sẽ đạt khá; giá cả nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng nhưng không đột biến; tín dụng ngân hàng đang có dấu hiệu cải thiện sẽ phần nào tác động tích cực đến thị trường tiêu thụ ống thép cuối năm.
Dự kiến, cuối tháng 10 này, Hiệp hội Thép Việt Nam và Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) sẽ tổ chức cuộc họp, với sự tham dự của các đơn vị sản xuất thép xây dựng trong và ngoài hiệp hội cùng một số công ty thương mại có liên quan để bàn các giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thép.
Cùng cảnh khó, ông Nguyễn Xuân Trung - Tổng Thư ký Hiệp hội kính Việt Nam buồn bã nói: “Ngành kính là ngành cần đầu tư ban đầu cực lớn, ví dụ một lò sản xuất nhỏ đầu tư ban đầu 200 – 300 tỷ đồng; lò lớn lên tới 1.000 tỷ đồng. Nếu đang sản xuất mà hết dầu hoặc mất điện đột ngột thì cả mẻ kính phải bỏ đi, nấu lại, mất đến 60% giá thành. Năm nay, là năm thất bát của ngành kính, chúng tôi “chết thảm hại” theo ngành bất động sản. Năm nay, chúng tôi tồn kho gấp 2 lần năm 2010; từ tháng 4- tháng 9 giá bán tụt giảm tới 48%. Hiệp hội của chúng tôi có 120 hội viên (doanh nghiệp), chỉ có lác đác vài hội viên có lãi còn lại đa số hòa và lỗ vốn. Bởi lẽ, không chỉ giá dầu tăng, giá vận chuyển cũng tăng, lãi suất cao, nói chung ti tỉ thứ tăng, khiến kính đã bán chậm, nay càng chậm hơn. Mặc dù, mỗi doanh nghiệp đều cố gắng xoay xở tìm đầu ra, xong chúng tôi vẫn đang ở trong tình cảnh khó”.
Nguồn tin: phapluatvn