Lượng tồn kho xi măng, thép đến nay đã giảm mạnh nhưng đó là do nhiều nhà máy đã cắt giảm dây chuyền, ngưng sản xuất chứ không phải do cầu tăng.
Lượng tồn kho xi măng, thép đến nay đã giảm mạnh nhưng đại diện các doanh nghiệp ở hai ngành vật liệu xây dựng chủ lực này lại cho rằng đây là dấu hiệu đáng buồn bởi nhiều nhà máy đã cắt giảm dây chuyền, ngưng sản xuất chứ không phải do cầu tăng.
Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết lượng xi măng tồn kho tính đến nay khoảng 2 triệu tấn, giảm gần 800.000 tấn so với lượng tồn tháng 6 và chỉ bằng 15 ngày sản xuất. Lý do là nhiều nhà máy đã ngưng sản xuất, cắt giảm bớt dây chuyền.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 11-9, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, tiêu thụ xi măng cả nước 8 tháng chỉ đạt 31 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2011.
“Vấn đề tồn kho của xi măng không đáng lo nữa mà đang trở thành dấu hiệu đáng buồn bởi một số nhà máy đã ngưng sản xuất, cắt giảm bớt dây chuyền, vì sản xuất ra để trong kho chỉ thêm thiệt hại”, ông Thiện nói.
Ông Thiện cho biết xi măng Hoàng Thạch có 3 dây chuyền thì nay chỉ chạy 2 dây chuyền, nhiều nhà máy xi măng công suất trên dưới 1.000 tấn/ngày ở tỉnh Lạng Sơn mấy ngày nay cũng thông báo ngưng sản xuất vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm khi thị trường không có nhu cầu.
"Hiện rất khó đưa ra dự báo cho ngành xi măng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu năm 2011 tiêu thụ được 49 triệu tấn thì năm 2012 cả ngành sẽ phấn đấu đạt mức tiêu thụ chỉ khoảng 47 triệu tấn", ông Thiện cho hay.
Còn trong báo cáo về tình hình sản xuất thép 8 tháng đầu năm 2012, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết lượng thép xây dựng tồn kho tính đến 31-8 khoảng 316.000 tấn. Tính chung 8 tháng đầu năm, ngành thép xây dựng sản xuất gần 3 triệu tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với loại thép ống, VSA cho biết doanh nghiệp thép ống trong nước đang cạnh tranh nhau quyết liệt do cung lớn hơn cầu. Lượng thép ống tồn kho hiện không nhiều (chỉ khoảng 19.000 tấn) vì các doanh nghiệp đã tiết giảm sản xuất.
Ngoài thép, báo cáo của VSA cũng chỉ ra nhiều ngành vật liệu xây dựng khác bị giảm sút nghiêm trọng trong 8 tháng đầu năm như sản xuất sắt, thép, gang giảm 5,1%; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 21,8%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 12,9%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét giảm 6,5%.
VSA cho rằng: “Chừng nào bất động sản vẫn đóng băng thì tất cả các ngành sản xuất liên quan đến vật liệu xây dựng, trong đó có thép sẽ cùng chịu chung số phận. Những khó khăn thách thức này không dễ gì giải quyết trong ngắn hạn, do đó ngành vật liệu xây dựng, trong đó có thép còn phải vật lộn để tồn tại trong một thời gian khá dài nữa”.
Tiêu thụ xi măng thấp xa so với quy hoạch
Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Bộ Xây dựng đang rà soát lại các dự án xi măng trên cả nước để điều chỉnh, sắp xếp lại sản xuất của toàn ngành và hướng sắp tới sẽ xem xét điều chỉnh giảm công suất xi măng so với quy hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện phân tích, theo quy hoạch thì dự kiến đến năm 2015 công suất đạt trên 90 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ đến 2015 đạt 75 - 76 triệu tấn.
Năm 2012 tiêu thụ chỉ đạt 48 triệu tấn, nếu theo kịch bản lạc quan nhất mỗi năm tăng thêm 5 – 10% nữa thì đến 2015 cũng chỉ đạt mức tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn. Như vậy có nghĩa là tiêu thụ xi măng sẽ thấp khá xa so với dự báo trong quy hoạch.
Nguồn tin:TBKTSG