Không nằm trong diện các mặt hàng bình ổn giá, chính vì vậy, cứ vào dịp cuối năm, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các mặt hàng vật liệu xây dựng mặc sức “làm giá” với nhiều lý do khác nhau.
Kết thúc tháng 11, hầu hết các mặt hàng cát, xi măng, gạch và nhất là thép đều đồng loạt tăng giá. Cụ thể: giá xi măng tăng khoảng 10% so với thời điểm trước, như: Hà Tiên 1 đã tăng từ 70.000 đồng lên 73.000 đồng/ bao 50 kg, xi măng Holcim từ 69.000 đồng lên 70.000 đồng; xi măng Nam Hà có giá 710.000 đồng/tấn, xi măng Vinakasai Ninh Bình 850.000 đồng/tấn… Mặt hàng gạch tăng khoảng 7-10%, như: Gạch loại A có giá 1.300 đồng/viên, loại B 850 đồng/ viên, giá gạch tuynel cũng dao động 680 - 1.200 đồng/ viên, tăng khoảng 100 đồng so với tháng 10/2010. Mặt hàng cát cũng tăng từ 10-12% cát vàng 330.000 đồng/m³, cát đen 40.000 đồng/ m3.
Lý giải việc cát và gạch tăng giá, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vào thời điểm mùa khô, việc khai thác và vận chuyển cát rất khó khăn. Lệnh cấm khai thác cát khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm. Đối với mặt hàng gạch, mặc dù gạch không nung được khuyến khích đưa vào sử dụng song thị trường chưa đón nhận mà vẫn sử dụng loại gạch truyền thống nên loại gạch này vẫn nằm trong diện khan hàng.
Tăng cao nhất là mặt hàng thép. Tổng công ty Thép Việt Nam mới đây đã tăng giá thép thêm 300.000 đồng/ tấn. Theo đó, thép cuộn có giá bán giao tại nhà máy là 14,52 - 14,81 triệu đồng, thép cây là 14,57 - 15,27 triệu đồng (chưa bao gồm VAT). Các hãng thép khác, như Vina Kyoei, Pomina, thép Việt – Hàn, thép Việt - Đức... cũng tăng thêm 300.000 đồng/ tấn.
Trái ngược với mặt hàng cát và gạch tăng giá vì khan hàng, mặt hàng thép dự kiến tiêu thụ năm 2010 trong cả nước khoảng 5,4 triệu tấn trong khi nguồn cung đạt tới 8 triệu tấn, song các doanh nghiệp vẫn không điều chỉnh giá bán để ổn định đầu ra. Lý giải về việc tăng giá này, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, phôi thép là mặt hàng nhập khẩu nên giá thép tăng đột biến trong thời gian qua do biến động tỷ giá đồng USD. Theo tính toán, nếu tỷ giá 1 USD ở mức 21.000 đồng thì giá phôi thép sẽ tăng khoảng 1 triệu đồng/ tấn, cộng với chi phí gia công để không bị thua lỗ, doanh nghiệp sản xuất thép phải tăng giá tối thiểu lên 600.000 đồng/ tấn. Bên cạnh đó, mức lãi suất ngân hàng cho vay với doanh nghiệp thép tăng cao (khoảng 19%/năm) cũng khiến giá thép bị đẩy lên.
Nhiều nhà thầu cho rằng, nguyên nhân chính của việc tăng giá vật liệu xây dựng là do cuối năm nhu cầu sửa sang nhà cửa, hoàn thành các công trình, dự án tăng cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng lớn, vốn mạnh, cuối năm thường nhập về số lượng vật liệu xây dựng nhưng cố tình găm hàng, tạo “sốt” ảo để đẩy giá bán.
Nguồn: Vietstock