Sức mua giảm, cung vượt xa so với cầu là khó khăn chung mà các ngành sản xuất như thép, bia, cà phê, thuỷ sản... gặp phải trong những tháng đầu năm 2013.
Thực trạng trên đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, mà cần thêm giải pháp hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan quản lý, để tìm hướng thoát khó cho ngành này trong 6 tháng cuối năm.
Bài 1: Sản xuất thép - nguy cơ kép
Đua nhau hạ giá, thép vẫn tồn kho với khối lượng lớn. (Ảnh: Đ.T) |
Cung thép xây dựng trong những tháng đầu năm tiếp tục bỏ xa cầu sau khi hai doanh nghiệp mới là Công ty cổ phần Thép Thái Trung (Thái Nguyên) với công suất lắp đặt 500.000 tấn/năm và Công ty cổ phần Thép Miền Trung (Đà Nẵng), công suất lắp đặt 250.000 tấn/năm bắt đầu tung hàng ra thị trường.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 5 cũng cho rằng, sản xuất thép được liệt vào nhóm những sản phẩm có tốc độ tăng cao hơn là 5,2% so với tốc độ tăng của toàn ngành.
Theo đó, sản xuất thép cán là 1,08 triệu tấn (tăng 14,7%); thép thanh, thép góc đạt 1,37 triệu tấn (tăng 7,4%). Nhưng điều đáng chú ý là, trong khi sản xuất tăng, thì tiêu thụ của ngành thép lại giảm 1,2%.
Vất vưởng vì bất động sản ế
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, hiện tại, điều đáng lo ngại hơn cả với ngành vật liệu xây dựng là, hàng tồn kho cao ở lĩnh vực bất động sản.
Với thực tế thị trường bất động sản đóng băng sau một thời gian dài phát triển quá nóng đã để lại hậu quả khó lường cho năm nay cũng như các năm tiếp theo. Việc tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng chưa tạo nên chuyển động mạnh mẽ, khiến cơ hội giải cứu nhóm các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng chưa sáng sủa.
“Từ khi ngành bất động sản đóng băng, cả sản xuất lẫn tiêu thụ xi măng, sắt thép xây dựng đều bị ảnh hưởng. Kết quả sản xuất, tiêu thụ năm sau thấp hơn năm trước. Bước sang năm 2013, tình hình sản xuất, tiêu thụ thép chưa có những bước chuyển biến rõ nét”, ông Cường nói.
Hiện lượng thép xây dựng tồn kho của các doanh nghiệp ngành thép vào khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, mức tồn kho được xem là hợp lý cho sản xuất của các doanh nghiệp ngành thép chỉ là 230.000 – 250.000 tấn.
VSA cũng thống kê mức tiêu thụ thép xây dựng của các doanh nghiệp thành viên vẫn chỉ quanh quẩn ở con số 400.000 tấn/tháng. Theo ông Cường, mức tiêu thụ này cũng thấp hơn 10% so với đỉnh cao mà các doanh nghiệp đã đạt được là 450.000 tấn/tháng. Đáng chú ý là, trong khi tiêu thụ giảm, thì công suất cán thép vẫn tăng, khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp thép trở nên khó khăn hơn.
Dù không nêu tên, hay thống kê cụ thể doanh nghiệp thép nào đã từ bỏ cuộc chơi, nhưng các khảo sát của VSA cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp thép đang lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, mà chủ yếu là những đơn vị mới ra đời, chưa có thương hiệu, nên dù có bán giá thấp cũng không có người mua.
Một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lâu năm cũng cho phóng viên Báo Đầu tư hay, lối thoát hiện nay là sản xuất cầm chừng, để có tiền trả nợ lãi vay, rồi có khấu hao và duy trì đội ngũ lao động. Với thực tế 2 - 3 lần giảm giá bán hàng tháng, giá thép trên thị trường đang thấp hơn giá thành. “Doanh nghiệp lỗ ít, thì giá bán thấp hơn giá thành 200.000 đồng/tấn, lỗ nhiều thì chênh lệch này lên tới 600.000 – 700.000 đồng/tấn và tình trạng doanh nghiệp đua nhau giảm giá để bán hàng vẫn tiếp tục diễn ra”, vị này cho biết.
Thực tế này đã khiến VSA phải tổ chức cuộc họp vào cuối tháng 5/2013 giữa các doanh nghiệp sản xuất thép phía Bắc để bàn biện pháp phối hợp, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá liên tục để giành thị phần. Tuy nhiên, theo quan sát của chính các doanh nghiệp, chỉ sau cuộc họp trên hơn 1 tuần, tình trạng giảm giá sâu lại tiếp diễn, gây náo loạn thị trường phía Bắc.
Vòng xoáy khó khăn cũng kéo theo cả những đại gia trong ngành thép. Trong báo cáo tài chính năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Thép Pomina (POM), chỉ là hơn 5 tỷ đồng, thấp xa so với con số 405 tỷ đồng của năm 2011.
Nguy cơ từ các ông lớn ngoại
Mặc dù các doanh nghiệp ngành thép đang cạnh tranh gay gắt với nhau, nhưng theo các chuyên gia, cơ hội cho phát triển của ngành thép tại Việt Nam không phải đã hết.
Theo VSA, hiện tiêu thụ thép trên bình quân trên đầu người tại Việt Nam mới là 120 kg/người. Ngay khi chỉ so với các nước trong khu vực ASEAN, thì mức tiêu thụ này mới chỉ bằng 50%. Với mục tiêu xây dựng trở thành nước công nghiệp, sản lượng thép sẽ còn tăng lên 2-3 lần để đáp ứng nhu cầu cho xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở.
Nắm bắt được xu hướng này và với tiềm lực dồi dào, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ tiền vào ngành thép ở Việt Nam, thông qua các liên hợp thép lớn. Dĩ nhiên, mục tiêu các liên hợp này nhắm tới không chỉ là thị trường trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu không có những tính toán chiến lược hợp lý trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài trong ngành thép, đặc biệt các dự án có quy mô lớn sẽ hạn chế sự phát triển ngành thép nội địa, làm tăng thêm sự mất cân đối cung cầu (vốn đã nghiêm trọng).
Đặc biệt, trong tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu thép khó khăn, sản phẩm của các liên hợp thép có vốn đầu tư nước ngoài được tiêu thụ trong nội địa sẽ tăng lên, gây ra tình trạng cạnh tranh khốc liệt. Nếu dự báo đó đúng, tất nhiên, ưu thế sẽ thuộc về các tập đoàn thép nước ngoài và các doanh nghiệp thép vừa và nhỏ ở Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
“Chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar dự định đầu tư sản xuất thép, nhưng được yêu cầu phải xuất khẩu 100% sản phẩm, không cho tiêu thụ nội địa, để giành cho doanh nghiệp thép trong nước. Với Philippines cũng rất khó khăn, nếu nước ngoài muốn đầu tư vào công nghiệp thép nước này, hoặc tại Trung Quốc, dù hàng năm sản xuất gần tỷ tấn thép, nhưng họ cũng không cho doanh nghiệp nước ngoài góp quá 30% vốn trong liên doanh thép và nếu không đưa công nghệ mới thì không được đầu tư vào Trung Quốc. Việt Nam rất nên nên tham khảo những kinh nghiệm này khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào ngành thép của mình”, một doanh nghiệp thép lớn tại phía Nam cho hay.
Nguồn tin: Baodautu