Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính đang khiến dư luận quan tâm với những hệ lụy tiếp theo có thể xảy ra. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây có thể phương án “lợi bất cập hại” và kìm hãm sự phát triển.
Một chính sách, nhiều tác động
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi một số quy định về thuế trong đó có đề xuất sửa đổi thuế VAT theo hướng tăng thuế giảm ưu đãi. Cụ thể, với thuế VAT thông thường, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Tăng thuế VAT mức 10% hiện hành lên 12% từ ngày 1/1/2019; hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ năm 2019 và lên 14% từ 1/1/2021.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ra đề xuất mức thuế mới cho nhóm hàng, dịch vụ đang được ưu đãi VAT thuộc mặt hàng thiết yếu của người dân như: Nước sạch sinh hoạt và sản xuất, dịch vụ văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất và phát hành phim, biểu diễn thời trang,…. Theo đó, những loại hàng hóa, dịch vụ này sẽ tăng lên 12% thay vì mức 5% như hiện tại. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT cho hoạt động chuyển quyền sử dụng đất. Thay vào đó, hoạt động này vẫn phải chịu thuế VAT theo mức thông thường (theo mức đề xuất 12% vào năm 2019).
Lý giải đề xuất này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu… Qua đó đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế…
Việc điều chỉnh chính sách thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân
Nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật này thì từ năm 2019, hàng loạt dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu người dân sử dụng sẽ đồng loạt tăng giá theo, nên nhiều người dân vô cùng lo lắng. Vì thuế thông thường sẽ tăng lên 12% vào năm 2019 nên nhóm hàng hóa ưu đãi giảm 50% thuế VAT cũng sẽ tăng mức thuế lên 6% thay vì 5% như hiện tại vào năm 2019. Nhóm hàng hóa này chủ yếu là của lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp...cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chị Mai Hồng Minh, một hộ kinh doanh nông sản trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Là hộ kinh doanh dùng hóa đơn nhưng hiện nay gia đình chị đang phải chịu rất nhiều khoản thuế. Đó là, ngoài thuế môn bài hàng năm, thuế phần trăm theo hóa đơn, thuế thu nhập cá nhân, chị còn phải chịu một khoản thuế khoán không theo hóa đơn là tỷ lệ % của doanh thu 80 triệu đồng/ tháng, mặc dù việc kinh doanh bán lẻ của cửa hàng hầu như không có. Với mức thuế đang áp như hiện nay, cùng với các loại chi phí như thuê nhân công, cửa hàng,…thì hầu như không có lãi. Nếu với đà tăng thuế như đề xuất của Bộ Tài chính thì nguy cơ phá sản, bỏ kinh doanh của hộ gia đình chị là rất cao.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Duyên- một hộ dân kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm cũng cho biết: Do phải chịu mức thuế áp theo doanh thu quá cao, không đủ chi phí nên gia đình đã bỏ không kinh doanh mặt hàng này.
Cần có khảo sát, đánh giá thực tế
Các chuyên gia cho rằng, lộ trình áp dụng cần được xem xét lại, đồng thời cũng cần tham khảo thêm ý kiến của người dân và doanh nghiệp, chuyên gia...
Theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho biết, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) với mục đích tăng thu cho ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo chi tiêu. Cho tới hết tháng 7, mức chi thường xuyên đã lên tới gần 511,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm hơn 73% số chi ngân sách). Nhưng nếu cứ bất chợt bị tăng thuế thì phương án kinh doanh sẽ bị thay đổi do chi phí, giá cả tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Hàng hóa tăng giá người dân sẽ thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn, khi phần lớn tiền phải dùng cho chi tiêu thiết yếu, ngược lại sẽ khiến doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên nộp thuế cũng giảm theo. Doanh thu không đủ bù chi thì các cá nhân kinh doanh, DN khó có thể tồn tại.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, bản chất thuế VAT là một dạng khế ước giữa dân và Nhà nước. Người dân nộp thuế để được phục vụ. Nếu ngân sách đang khó khăn, trong khi phải nuôi một bộ máy quá cồng kềnh với những hiệp hội khi đã có các Bộ quản lý… sao không đề cập tới việc giảm chi ngân sách? Còn nếu tăng thuế tổng thể chỉ để bù đắp cho chi tiêu công là không phù hợp. Vì khi thuế tăng lên, giá sản phẩm tăng lên, người dân buộc phải lựa chọn giải pháp thắt lưng buộc bụng. GDP sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều khả năng là giảm so với kỳ vọng.
Hơn nữa, việc tăng thuế VAT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế tăng lên khiến cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng theo. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ chắc chắn sẽ khó mà đạt được do ảnh hưởng lan tỏa của việc tăng giá và sức mua của người dân.
Nhiều người cũng lo ngại, việc thay đổi chính sách thuế sẽ tạo ra tác động dây chuyền và phức tạp phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mọi sự điều chỉnh về thuế cần phải có khảo sát, điều tra và có số liệu thực tế để đánh giá một cách khoa học, trên cơ sở đó có những dự báo cho việc thực hiện chính sách. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
GS.TS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh (Pháp), một trong 15 chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng: Tăng thuế giá trị gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân do chi phí tiêu dùng sẽ tăng lên và nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Việc tăng VAT phải đi kèm với việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi tiêu thường xuyên không cần thiết. Bộ Tài chính cần đề ra một lộ trình rõ ràng và giải trình được tăng thuế để sử dụng vào việc gì…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tăng thuế VAT sẽ có tác động đến cả xã hội từ DN đến người dân vì mọi hàng hoá đều chịu VAT. Vì vậy cần phải cân nhắc, cẩn trọng đánh giá toàn diện trước khi muốn điều chỉnh chính sách có phạm vi ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Một số nước như ở Nhật Bản, Mỹ, thuế tiêu dùng chỉ 5%.
Các ý kiến cũng cho rằng, với các đề xuất tăng thuế như dự thảo Luật, Bộ Tài chính cần đưa được ra cơ sở của đề xuất, như: Tại sao VAT tăng thêm 2%? Tại sao loại một số hàng hóa thiết yếu đưa ra khỏi danh mục miễn, giảm thuế? Và cả ý kiến của người dân, doanh nghiệp về vấn đề này. Những đề xuất nào tác động lớn tới xã hội, nền kinh tế như việc tăng thuế, Bộ Tài chính phải có nghiên cứu, đánh giá tác động, cơ sở lập luận rõ ràng trước khi đề xuất áp dụng.
Nguồn tin: Công lý