"Các doanh nghiệp xuất khẩu thép cần chủ động, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, điều này có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến các kết luận điều tra"- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương Vũ Bá Phú trao đổi với phóng viên Báo Công Thương. Trước số liệu nhập khẩu thép cán nguội của Việt Nam do Bộ Thương mại Indonesia đưa ra, ông có bình luận gì ? - Theo quy định của WTO, nếu ngành sản xuất nội địa thấy có hiện tượng hàng hóa nhập khẩu (NK) từ nước ngoài bán phá giá, đe dọa thiệt hại cho sản xuất nội địa, có quyền gửi đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá (CBPG). Đây là việc mà WTO cho phép đối với nước NK và hoàn toàn bình thường trong thương mại quốc tế. Hiện, Indonesia NK thép cuộn cán nguội từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và VN. Con số 57,19% là mức tăng của tổng khối lượng thép thuộc diện điều tra NK từ tất cả các nước vào Indonesia, không phải từ VN. Thông thường trong các vụ kiện CBPG, cơ quan điều tra nước sở tại thường lấy số liệu NK của hải quan nước họ làm căn cứ. Số liệu này có thể có sự chênh lệch so với số liệu hải quan của nước XK, do sự khác biệt về cách phân loại mã HS, phương pháp thống kê, hoạt động chuyển tải… Theo quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO, nếu lượng hàng hóa thuộc diện điều tra NK từ VN vào Indonesia chiếm dưới 3% tổng lượng NK thì VN có thể được loại khỏi vụ kiện. Vụ việc xuất phát từ đơn kiện của DN sản xuất PT Krakatau Steel. Điều này có phù hợp với thông lệ cạnh tranh thương mại quốc tế? - Theo quy định của WTO, DN/ngành sản xuất nội địa phải chiếm hơn 25% sản lượng toàn ngành và nhận được hơn 50% ý kiến ủng hộ từ các bên - thể hiện quan điểm của ngành sản xuất nội địa, mới đủ tư cách nộp đơn khởi kiện. Cục Quản lý Cạnh tranh đang phối hợp với các cơ quan liên quan thu thập số liệu, đánh giá tư cách khởi kiện của Công ty PT Krakatau Steel. Trong trường hợp nguyên đơn không đủ tư cách khởi kiện, VN có quyền đề nghị cơ quan chức năng của Indonesia xem xét bác đơn đề nghị điều tra CBPG đối với mặt hàng thép cuộn cán nguội của VN NK vào nước này. Bước đầu, ngành thép VN phải làm gì trước việc Ủy ban chống bán phá giá Indonesia khởi kiện? - Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt là CBPG, việc các DN/hiệp hội chủ động, tích cực hợp tác, trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến các kết luận của cơ quan điều tra. Nếu hợp tác tốt, giải trình rõ ràng, cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng minh, DN VN có thể đạt được những kết quả thuận lợi và tích cực. Trong trường hợp các DN XK thép VN không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, không cung cấp tài liệu chứng minh theo yêu cầu của cơ quan điều tra, họ có thể sử dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá cho những DN XK này. Thực tế, mức thuế dựa trên những yếu tố bất lợi sẵn có này thường rất cao. Trước mắt, các DN cần rà soát lại tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Nhanh chóng thu thập số liệu, chuẩn bị sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, nhân lực, thời gian để tham gia vụ việc. DN cần phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước nhằm có được những tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ cho việc giải trình một cách hiệu quả với cơ quan điều tra nước ngoài. Do việc giải trình rất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, DN/hiệp hội nên thuê các luật sư/chuyên gia về kế toán, kiểm toán hỗ trợ trong suốt quá trình của vụ kiện. Về mặt quản lý Nhà nước, Cục Quản lý Cạnh tranh có giải pháp gì giúp ngành thép giải quyết vấn đề này? - Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng vệ thương mại, Cục Quản lý Cạnh tranh đang tích cực làm việc với Hải quan, DN/ hiệp hội để hướng dẫn, tham vấn kỹ thuật kịp thời, chuẩn bị tốt nhất cho việc giải trình với KADI. Xin cảm ơn ông! Cục Quản lý Cạnh tranh đã xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm đối với các mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm của Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp nên tích cực cập nhật thông tin và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm chủ động đối phó với các vụ kiện tương tự.
Nguồn tin: Baocongthuong