Dự thảo cơ cấu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương soạn thảo và dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1-7 tới. Theo đó, giá điện cho các ngành sản xuất dự kiến sẽ tăng, trong đó ngành thép và xi măng sẽ bị áp giá điện riêng.
CôngThương - Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 13-6 đã trao đổi với ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện thuộc Hội Điện lực Việt Nam liên quan đến các vấn đề về dự thảo cơ cấu giá điện, tại sao phải áp giá điện riêng đối với sắt thép, xi măng và mức độ minh bạch trong đầu tư của ngành điện lâu nay.
TBKTSG Online: Xin ông cho biết tại sao cơ cấu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương soạn thảo lại có sự phân biệt đối xử đối với ngành sắt thép, xi măng?
Ông Hoàng Hữu Thận: Hiện nay sắt thép, xi măng là một trong các ngành tiêu thụ nhiều điện, và đòi hỏi tiêu chuẩn cung cấp điện áp an toàn và liên tục, nếu bị mất điện sẽ ảnh hưởng lớn đến dây chuyền công nghệ, sản phẩm trở thành phế phẩm. Do đó, ngành điện phải tăng cường đầu tư công nghệ để nâng cao tính tin cậy cung cấp điện cho hai ngành này.
Mặt khác, nhu cầu điện cho hai ngành này lớn, do giá điện chưa hợp lý, họ ít muốn cải tiến công nghệ để giảm suất tiêu thụ điện trên một sản phẩm.Việc áp giá điện cao hơn các ngành khác một ít đối với hai ngành này là phù hợp đề bù đắp chi phí thêm công nghệ lưới và khuyến khích để các doanh nghiệp thép, xi măng cải tiến công nghệ theo hướng giảm suất tiêu thụ điện năng trên đơn vị sản phẩm.
Tuy nhiên hiện nay đa phần các nhà máy thép đều sử dụng cấp điện áp 110 kV nên mức tăng từ 85% lên 93% (giờ bình thường), 53% lên 61% (giờ thấp điểm) và từ 156% lên 164% (giờ cao điểm) theo như cơ cấu giá điện sắp áp dụng là chấp nhận được.
Ông có cho rằng việc điều chỉnh giá điện, trong đó phần lớn các cấp điện cho sản xuất đều tăng giá liệu có phù hợp trong giai đoạn hiện nay?
- Hiện nay nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, trong khi sản xuất điện không đáp ứng được, cho nên mới có chuyện “phân biệt đối xử” với những ngành tiêu tốn nhiều điện như xi măng, sắt thép. Nhưng nếu không phân biệt đối xử thì năng lượng sẽ bị sử dụng lãng phí và khả năng phát triển nguồn, lưới không đáp ứng được, rồi lại rơi vào trạng thái "đói" điện, sẽ rất có hại cho kinh tế và dân sinh.
Về nguyên tắc, giá điện phải được điều chỉnh tăng lên. Nhưng đi đôi với tăng giá điện thì ngành điện phải minh bạch, phải công khai các chi phí khác để người tiêu dùng biết.
Người tiêu dùng đòi hỏi suất đầu tư nguồn và lưới của ngành phải tiên tiến, nghĩa là phải cạnh tranh so với các dự án điện tương tự của chủ đầu tư ngoài ngành nhằm tránh tình trạng lãng phí, đội giá thành sản xuất dẫn đến việc báo lỗ triền miên.
Ngoài việc chi phí sản xuất phải được công khai và đạt mức tiên tiến, chất lượng quản lý vận hành lưới điện phải ngày càng tốt hơn thể hiện qua sự cố điện ngày càng giảm, không để xảy ra sự cố lớn (vụ mất điện toàn miền Nam vừa qua là sự cố rất lớn).
Nguồn tin:TBKTSG