Quá trình thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) kết thúc đã lâu nhưng chưa ban hành được kết luận thanh tra là câu hỏi được nhiều cơ quan Báo chí đưa ra tại Buổi họp báo vừa qua của Thanh tra Chính phủ.
Trả lời PV Báo Đầu tư, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: Có hai nguyên nhân chính khiến chậm công bố kết luận.
Một là do có nhiều việc phải làm ngay trong khi tiến hành thanh tra kể cả chưa có kết luận thanh tra như chuyển cơ quan điều tra khi thấy dấu hiệu hình sự.
Hai là, dự thảo kết luận TKV được Thanh tra Chính phủ làm việc với rất nhiều bộ ngành xung quanh một số những nội dung rất lớn. Ông Khánh nhấn mạnh: "Chúng tôi chưa nói đây là vấn đề sai phạm bởi vẫn còn ý kiến khác nhau về mặt nhận thức".
"Chẳng hạn như câu chuyện về khối lượng đất đá lên đến mấy nghìn tỷ đồng nên cần lật đi lật lại để xem xét, chưa thể kết luận nay. Thứ hai là chuyện thuế tài nguyên cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc áp dụng đối tượng thuế còn nhiều vấn đề cần xem xét làm việc với các cơ quan chức năng", ông Khánh nói.
Cũng liên quan đến tình trạng chậm ban hành kết luận sau khi thanh tra, ông Khánh cho biết đây là nội dung chắc chắn sẽ được đặt ra khi sửa Luật Thanh tra, Báo Đấu thầu cho hay.
Thực tế, so với số ngày quy định trong luật thì nhiều trường hợp bị chậm. Quy định trong luật chưa cá biệt hóa hoạt động thanh tra, chưa đo lường tính phức tạp nhiều cuộc thanh tra mà Thanh tra Chính phủ hoặc là các Bộ tiến hành.
Mặc dù các kết luận thanh tra chậm ban hành đều có lý do nhưng tình trạng chậm trễ này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật và khắc phục những tồn tại?
Ảnh minh họa.
Ông Ngô Văn Khánh cho biết, “dù kết luận thanh tra ban hành chậm nhưng quá trình thanh tra, một số nội dung vi phạm cần làm ngay chúng tôi đã làm, không cần chờ kết luận thanh tra. Ví dụ như một số vụ có dấu hiệu hình sự, chúng tôi đã chuyển cơ quan chức năng”. Tuy vậy, ông Khánh không thông tin cụ thể các trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra TKV, để đảm bảo dân chủ, khách quan có sự giải trình qua lại giữa đối tượng thanh tra và cơ quan thanh tra với sự có mặt của các cơ quan chức năng. Và nhiều nội dung được cơ quan quản lý chấn chỉnh ngay trong quản trị của Tập đoàn.
Mặc dù nhiều cuộc thanh tra ban hành kết luận chậm nhưng báo cáo giải trình việc thực hiện kết luận thanh tra của đơn vị được thanh tra thì thấy việc chấn chỉnh khắc phục được thực hiện ngay. Chẳng hạn như trường hợp thanh tra các dự án BOT, Trạm thu phí ở đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Phủ Lý đã phải tháo dỡ.
Tất nhiên, việc chậm cũng có ảnh hưởng bởi một số nội dung phải chờ chính thức ban hành kết luận mới có căn cứ xử lý ví dụ xử lý trách nhiệm cá nhân hoặc các nội dung thu hồi, giao cơ quan nào thực hiện.
“Khi sửa Luật Thanh tra, chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất để đảm bảo tính đến trường hợp các cuộc thanh tra phức tạp, có nhiều vấn đề cần trao đổi thống nhất giữa nhiều bên” – ông Ngô Văn Khánh nói.
Tình hình đầu tư tài chính của nhiều đơn vị thuộc tập đoàn TKV đang rơi vào thua lỗ. Cụ thể, có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả.
Cụ thể, TKV đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty (gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác). Năm 2015, có 50 công ty kinh doanh có lãi với số tiền đạt 654 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 98,6 tỷ đồng. Tuy nhiên 9 công ty còn lại thua lỗ với số tiền lên đến 594 tỷ đồng. Có 11 công ty kinh doanh lỗ luỹ kế lên tới 1.407 tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực TKV lỗ luỹ kế 828 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải thuỷ lỗ 139 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hoá lỗ 115 tỷ đồng, Công ty Đóng tàu Sông Ninh lỗ 90,3 tỷ đồng, Công ty Liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài lỗ gần 70 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Kê lỗ 17 tỷ đồng.
Theo báo cáo, Tổng công ty Khoáng sản TKV tiếp tục đầu tư dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là 720,5 tỷ đồng vào 18 công ty. Trong số này có 11 công ty có lãi gần 72 tỷ đồng nhưng 7 công ty còn lại thua lỗ lên tới hơn 124 tỷ đồng trong năm 2015. Tính luỹ kế đến hết 2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỷ đồng.
Điển hình như Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang lỗ 72 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vàng Lào cai lỗ 68,8 tỷ đồng, Công ty Gang thép Cao Bằng lỗ gần 46 tỷ, Công ty Gạch ngói và Vật liệu xây dựng Đồng Nai lỗ 26,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang lỗ 24,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển khoáng sản 4 lỗ 17,3 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV đầu tư dài hạn 514,7 tỷ đồng vào 12 công ty con. Năm 2015 12 công ty kinh doanh đều có lãi với số tiền 86 tỷ đồng, cổ tức được chia là 8,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2015, có 3 công ty vẫn lỗ luỹ kế 265 tỷ đồng, đó là Công ty Xi măng Quán Triều, Công ty Xi măng Tân Quang, Công ty Than điện Nông Sơn.
Nguồn tin: ĐSPL