Chính phủ các nước sẽ không thể thực hiện được một chiến lược phục hồi hiệu quả, nếu không xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chính phủ hai bên bờ Đại Tây Dương đã chú trọng giải cứu và điều chỉnh ngành ngân hàng. Các chương trình kích thích là cần thiết để giúp vượt qua khủng hoảng cho tới khi ngành tài chính bình phục và hoạt động cho vay của khu vực tư nhân được nối lại.
Song cho đến nay, lãi suất ngắn và dài hạn vẫn ở mức thấp kỷ lục. Các ngân hàng phàn nàn hoạt động cho vay vẫn ở trong tình trạng trì trệ vì thiếu những khách hàng đáng tin cậy trong bối cảnh kinh tế ốm yếu hiện nay. Các số liệu chủ chốt cho thấy ít nhất họ đã đúng một phần. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện đang ở trong tình cảnh khó khăn, không thể phát triển vì eo hẹp nguồn vốn, trong khi nhiều công ty buộc phải cắt giảm hoạt động sản xuất.
Tuy vậy, xét về tổng thể, đầu tư doanh nghiệp (không bao gồm ngành xây dựng) đã tăng lên chiếm tỷ trọng 10% GDP, so với 10,6% GDP thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng. Với sự dư thừa quá mức trong lĩnh vực bất động sản, lòng tin sẽ chưa thể sớm phục hồi ở mức tiền khủng hoảng, cho dù lĩnh vực ngân hàng đã được cứu trợ.
Sự thiếu thận trọng của ngành tài chính do quản lý lỏng lẻo là nhân tố rõ ràng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây. Tuy nhiên, nền kinh tế đã rất yếu trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng do nhu cầu tiêu dùng nội địa sa sút và bong bóng nhà ở chỉ là thứ để che giấu sự yếu kém này. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm xuống 1%, trong khi 80% số người Mỹ nghèo nhất chi tiêu tới 110% thu nhập hằng năm của họ, thậm chí không ít người chi tiêu hoang phí hơn.Việc ổn định lĩnh vực tài chính là cần thiết đối với phục hồi kinh tế toàn cầu, song điều này còn lâu mới có thể thực hiện được. Để hiểu việc gì cần phải làm, các chính phủ nên hiểu các vấn đề của nền kinh tế trước khi khủng hoảng ập tới.
Trước hết, Mỹ và thế giới là nạn nhân của chính sự thành công của mình. Năng suất tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực chế tạo đã vượt đà tăng trưởng của nhu cầu. Điều đó có nghĩa là việc làm trong ngành này ắt phải giảm xuống. Người lao động buộc phải chuyển sang kiếm việc trong các lĩnh vực dịch vụ. Vấn đề tương tự cũng đã từng xảy ra hồi đầu thế kỳ 20, khi tăng trưởng năng suất nhanh trong ngành nông nghiệp đã buộc người lao động chuyển từ khu vực nông thôn ra những trung tâm chế tạo ở các khu vực đô thị. Với thu nhập của người lao động từ nông nghiệp giảm hơn 50% trong giai đoạn 1929-1932, tình trạng di cư ồ ạt hiển nhiên đã xảy ra... vì người nông dân không có nguồn việc làm nào khác.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, đối với Mỹ và châu Âu, nhu cầu chuyển việc làm ra khỏi khu vực chế tạo là vấn đề phức tạp vì số việc làm trong lĩnh vực này rất hạn hẹp trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hoá là một trong những nhân tố, chứ không phải duy nhất, góp phần làm nảy sinh vấn đề thứ hai. Đó là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Việc chuyển thu nhập từ những người có tiềm năng chi tiêu lớn sang những người không muốn chi tiêu đã và đang làm giảm tổng cầu. Cũng với cách thức này, giá nhiên liệu leo thang đã chuyển sức mua từ Mỹ và châu Âu sang các nước xuất khẩu dầu mỏ. Những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khi nhận thức được sự biến động của giá năng lượng đã kịp thời tiết kiệm được nhiều từ nguồn thu này.
Nhân tố cuối cùng góp phần gây nên sự yếu kém nhu cầu toàn cầu là nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của các thị trường đang nổi. Các nước đang nổi cho rằng không có dự trữ ngoại tệ, họ có nguy cơ mất chủ quyền kinh tế. Một nguồn dự trữ tiền khổng lồ lên tới 7,6 nghìn tỷ USD tại các nước đang phát triển và đang nổi trở thành nguồn tiền không được tiêu đến. Những nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn thường ứng phó tốt hơn với khủng hoảng kinh tế, do đó động lực tích lũy tiền của họ càng lớn hơn.
Tương tự, trong khi các các chủ ngân hàng giành lại có những khoản tiền thưởng khổng lồ, những người làm công ăn lương phải thấy cảnh tiền lương của họ bị giảm và giờ làm việc bị cắt xén. Điều này càng làm gia tăng khoảng cách về thu nhập. Hơn nữa, Mỹ vẫn chưa thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Với giá dầu vọt lên hơn 100 USD/thùng trong mùa Hè vừa qua và hiện vẫn ở mức cao, tiền một lần nữa lại được chuyển cho các nước xuất khẩu thứ "vàng đen" này. Trong khi đó, sự chuyển đổi cơ cấu tại các nền kinh tế tiên tiến vẫn diễn ra chậm chạp.
Sau khi chẩn đoán, "đơn thuốc" được đưa ra để trị căn bệnh vốn làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu sẽ bao gồm chi tiêu mạnh tay của chính phủ (nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực tái cấu trúc, thúc đẩy "bảo toàn năng lượng", cũng như giảm sự bất bình đẳng) và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Các lãnh đạo thế giới và những cử tri đã bỏ phiếu cho họ cuối cùng sẽ nhận ra điều này. Trong bối cảnh tăng trưởng tiếp tục yếu đi, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác và trong khi chờ đợi, nền kinh tế thế giới sẽ còn phải gánh chịu nhiều tổn thất.
Nguồn tin: Tamnhin