Việc Bộ Công thương ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài đã vấp phải sự phản ứng của một nhóm sáu doanh nghiệp cán thép từ phôi thép nhập khẩu. Điều gì đã khiến các doanh nghiệp này nói không với “hàng rào kỹ thuật” đang được dựng lên đối với phôi thép ngoại nhập khẩu? TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Duy Thái, thành viên HĐQT CTCP thép Pomina - một trong nhóm 6 doanh nghiệp nói trên - xung quanh vấn đề này.
Một số DN ủng hộ tăng thuế nhập khẩu sản phẩm thép nhưng không
đồng ý áp dụng tự vệ với phôi thép. Ảnh minh họa Văn Nam.
TBKTSG Online: Thưa ông, trong danh sách các doanh nghiệp ký đơn kiến nghị gửi Bộ Công thương đề nghị đinh chỉ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hành phôi thép nhập khẩu mà bộ đã ban hành, không chấp nhận áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời dự kiến là 45% đối với phôi nhập khẩu, tại sao lại có tên CTCP thép Pomina. Bởi Pomina là doanh nghiệp sản xuất phôi lớn trong nước, nếu áp dụng biện pháp tự vệ thì Pomina có lợi ?
- Ông Đỗ Duy Thái: Đến thời điểm này, Pomina vẫn là nhà sản xuất phôi lớn nhất Việt Nam với công suất 1,5 triệu tấn/năm.
Tại những thời điểm phôi thép Trung Quốc bán phá giá vào các thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Việt Nam như thời điểm cuối năm 2015, phôi thép do chúng tôi sản xuất vẫn cạnh tranh được với phôi thép nhập khẩu. Nếu thuế suất phôi thép nhập khẩu là 0% thì chắc chắn Pomina không cạnh tranh nổi. Nhưng với mức thuế 10% như thời điểm hiện nay thì chúng tôi vẫn sống được. Do vậy, Chính phủ cần nhìn nhiều chiều khi đưa ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng tự vệ đối với phôi thép vì còn nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép để cán thép.
Tôi ủng hộ việc áp dụng biện pháp tự vệ, tăng thuế đối với sản phẩm thép dài vì thép dài được nhập khẩu vào Việt Nam, bán giá thấp nhằm chiếm thị trường. Cái đó mới đáng lo.
Nếu là nhà luyện phôi lớn, Pomina có thể bán phôi sản xuất cho các doanh nghiệp cán thép trong nước. Biện pháp tự vệ với thuế nhập khẩu phôi thép cao lẽ nào Pomina lại từ chối điều có lợi cho doanh nghiệp mình?
- Không phải cứ đưa giá thành nhập khẩu nguyên liệu lên cao thì doanh nghiệp sống. Ví dụ như nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất, sản phẩm bán ra được hỗ trợ qua cách tính thuế nhập khẩu rất cao cộng vào giá bán nhưng sản phẩm của Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu vì giá thành xăng dầu sản xuất trong nước bán cao hơn giá xăng dầu nhập khẩu thì người ta không mua hoặc ít mua.
Tôi nghĩ nên cạnh tranh sòng phẳng và mức thuế 10% đối với phôi thép như hiện nay là vừa đủ. Chúng ta không thể duy trì “nền kinh tế đóng” trong một thế giới mở như hiện nay.
Thuế nhập khẩu phôi thép năm trước đã là 9%. Từ đầu năm 2016 mức thuế này là 10%. Việc tăng thêm 1 điểm phần trăm hiện đang áp dụng như ông đề nghị thực tế đâu có ngăn chặn được lượng nhập khẩu đột biến, thưa ông?
- Ngành thép từ nhiều năm nay lợi nhuận không còn nhiều như trước. Đừng nghĩ đến việc sản xuất mà thu được lợi nhuận mấy chục phần trăm. Chỉ có cần cù siêng năng mới thu được lợi nhuận 2-3% là khó rồi. Việc áp thuế 10% cũng vẫn có thể làm chúng tôi có lợi nhuận, cạnh tranh sòng phẳng với thép Trung Quốc.
Nếu như các đề xuất mà nhóm doanh nghiệp phản ứng biện pháp tự vệ nêu ra là có cơ sở, tại sao Hiệp hội thép Việt Nam lại đứng đơn ủng hộ nhóm nguyên đơn và 80% các doanh nghiệp ngành thép cũng ủng hộ với quyết định điều tra áp dụng biện pháp này?
- Nhiều lãnh đạo Hiệp hội thép hiện nay nguyên là lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam (VN Steel). VN Steel, qua CTCP thép Thái Nguyên, cũng có trong danh sách các nguyên đơn yêu cầu tự vệ. Họ đã đầu tư sai vào nhà máy luyện phôi thép Thái Nguyên giai đoạn II và nhà máy thép Việt Trung nên muốn phản đối, vì nếu không các doanh nghiệp này ngày càng không chống đỡ nổi thép ngoại nhập. Tôi không lo cho riêng cá nhân doanh nghiệp tôi mà tôi tính đến việc hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp thép ở Viêt Nam.
Chính phủ muốn áp dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ hợp lý một ngành công nghiệp được đầu tư từ hạ nguồn đến thượng nguồn ngành thép. Trong khi nếu bảo vệ các doanh nghiệp nhập khẩu phôi về cán thép thì có ý kiến cho rằng đây là việc bảo vệ nhóm doanh nghiệp “hớt váng”, không đầu tư sâu, thưa ông?
- Ngành thép trong nước đang luyện phôi dư với nhu cầu từ 30% đến 40%. Quan điểm của tôi là không phải cứ luyện kim thì làm tất cả từ gốc đến ngọn. Cái gì làm tốt thì làm khâu đó thôi. Nền kinh tế mở hiện nay cho phép doanh nghiệp tham gia vào công đoạn mình làm tốt nhất.
Như phân tích của ông thì có thể nghĩ rằng, các quyết định của Chính phủ từ nhiều năm trước về việc đầu tư chế biến sâu vào ngành thép, cấm xuất khẩu khoáng sản thô để phục vụ luyện thép trong nước là không đúng?
- Những năm trước đây thì các quyết định này không có gì sai. Tuy nhiên đến nay chỉ cần đánh thuế 10% về nguyên liệu là đủ. Chính phủ chỉ cần hỗ trợ thời kỳ đầu thôi. Còn lại doanh nghiệp phải cố gắng.
Nhưng nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang biểu tình phản đối và yêu cầu Ủy ban Châu Âu (EC) đánh thuế cao với thép nhập khẩu từ Trung Quốc?
- Tôi thấy họ yêu cầu đánh thuế trên sản phẩm (thép cán) chứ không đòi đánh thuế nguyên liệu (phôi thép). Nguyên liệu càng rẻ càng tốt.
Nếu Chính phủ vẫn áp dụng các biện pháp tự vệ như nhóm nguyên đơn đề nghị thì ông nghĩ sao?
- Tôi không thất vọng nhưng tôi lo cho các doanh nghiệp cán thép từ phôi nhập khẩu do khó khăn chưa luyện được phôi. Riêng doanh nghiệp như Pomina luyện 1,5 triệu tấn phôi/năm mà mới cán hết 1,1 triệu tấn. Chúng tôi còn mấy trăm ngàn tấn phôi bán ra thì không lo gì cả.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Saigon times