Như thường lệ, cứ mỗi dịp cuối năm, giá ngoại tệ, chủ yếu là USD, lại tăng mạnh làm ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu và giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, “mùa” tăng giá ngoại tệ năm nay có nhiều bất thường và cũng gây thêm nhiều thiệt hại hơn hẳn đối với DN.
Từ lý thuyết đến thực tế
Theo phản ánh của nhiều DN XNK tại Hải Phòng, dù tỷ giá do Ngân hàng nhà nước quy định hiện tối đa là 19.500 VND/USD, nhưng thực tế DN tại thành phố này vẫn phải mua USD theo tỷ giá từ 20.050 VND tới 20.100 VND/USD.
Như vậy, nếu tính từ thời điểm giá USD thực tế thấp hơn 19.500 VND/USD, thì mức tăng giá của USD tại Hải Phòng trong thời gian ngắn vừa qua là từ 450 – 550 VND/USD. Tính về tỷ lệ, mức tăng này là gần 4% tỷ giá. Từ trước tới nay, USD vẫn tăng giá đều đều, dù có cao thì cũng hiếm khi vượt ngưỡng 100 – 200 VND/USD. Do đó có thể nói đợt USD tăng giá cuối năm 2010 này là tăng “sốc”. Và đó là điều bất bình thường, phi quy luật.
USD tăng ở mức độ lớn trong thời gian ngắn đã làm nhiều DN không kịp chuẩn bị đối phó. Nhiều hợp đồng nhập khẩu có nguy cơ bị lỗ nặng do đồng tiền thanh toán là USD. Một DN tại Hải Phòng cho biết, các DN đang tìm đủ cách để hạn chế thiệt hại bằng cách thuyết phục đối tác nhận thanh toán bằng đồng tiền khác. Tuy nhiên, nếu là hàng nhập khẩu từ các khu vực Châu Á, Châu Âu thì các DN còn có hi vọng (dù nhỏ) vào việc các đối tác chịu thanh toán bằng NDT hoặc Yên Nhật hay Eur. Nhưng các hợp đồng nhập khẩu từ Châu Mỹ hoặc Châu Phi thì gần như không còn “cửa” cắt lỗ bằng thay đổi ngoại tệ thanh toán.
Mặt khác, hiện nay các ngoại tệ khác như Eur, NDT hay Yên Nhật có thể đảm bảo cho nhu cầu của DN, nhưng tỷ giá thực tế so với VND cũng đang có dấu hiệu tăng. “Do vậy, trong mọi trường hợp, lợi ích của nhà nhập khẩu gần như không còn, mà đã chảy vào các ngân hàng” – một DN nhập khẩu của Hải Phòng vừa thực hiện hợp đồng trị giá 2 triệu USD than vãn.
Theo phân tích của các DN, nguồn thu hút ngoại tệ lớn nhất, ổn định nhất hiện nay của các ngân hàng là từ các DN xuất khẩu, chứ không phải từ nguồn kiều hối, hay tiết kiệm của người dân.
Sốt USD do đâu ?
Thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là USD, tăng nhanh để nhập khẩu các mặt hàng phục vụ Tết và chuẩn bị cho năm sản xuất sắp tới. Nhu cầu tăng nhanh nhưng nếu nguồn cung vẫn như cũ, hay bị găm giữ lại vài ngày là hoàn toàn có thể tạo thành “sốt” ngoại tệ. Thực tế là, trong trường hợp thuận lợi, thì một hợp đồng nhập khẩu phải mất ít nhất 1 tháng kể từ khi ký hợp đồng tới khi nhận hàng. Như vậy, chỉ cần USD tăng giá vài ngày vào thời điểm thanh toán, là các DN không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận chịu lỗ. Câu hỏi nhiều DN đặt ra ở đây là, có hay không liên minh thao túng giá ngoại tệ giữa một vài ngân hàng, hay giữa một vài DN xuất khẩu lớn ?
Và cũng có thực tế là, năm nào cũng vậy, chỉ khi tình hình cung ứng ngoại tệ đã trở nên căng thẳng, thì các can thiệp của Nhà nước mới được đưa ra để giảm áp lực cung ứng ngoại tệ cho các ngân hàng (chứ không phải cho đối tượng có nhu cầu trực tiếp là DN). Vậy thì sẽ phải đánh giá thế nào về các biện pháp chuẩn bị do các cơ quan quản lý thị trường thực hiện với nhu cầu ngoại tệ cuối năm ? Cần nhấn mạnh là, tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là tỷ giá VND/USD của VN chưa bao giờ thả nổi, mà luôn luôn được giám sát chặt chẽ, chỉ có nới lỏng chút ít về biên độ, thủ tục...
Đem thực tế ấy đặt cạnh thực tế USD cứ tăng giá đều đặn mỗi dịp cuối năm sẽ thấy, những gì DN tích luỹ được suốt nhiều năm hoàn toàn có thể bị xô đổ, hay bị chuyển hợp pháp vào túi những nhà kinh doanh tiền tệ. Vậy thì có thể có đáp án khác cho thực tế này không ?
Nguồn: DDDN