Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vị trí đồng tiền thay đổi: Có đáng lo?

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra hồi năm 2008, một xu hướng dễ nhận thấy là nhiều nước trên thế giới đã không quá phụ thuộc vào đồng USD trong cơ cấu rổ đồng tiền dự trữ của mình, cơ cấu dự trữ ngoại hối của các nước đã có sự đa dạng hoá với sự góp mặt của một số ngoại tệ khác.

Lỗ tăng do biến động tỷ giá

Điều này được thể hiện rõ trong số liệu thống kê của IMF, dự trữ bằng đồng USD của các nước trên thế giới có xu hướng giảm dần từ mức 69% vào năm 2002 xuống còn khoảng 63% vào năm 2008 và tăng dần tỷ trọng các đồng tiền khác.

Sự tái cấu trúc của các đồng tiền này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, một ví dụ điển hình là theo báo cáo tài chính năm 2009 của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại thì một năm sau cuộc khủng hoảng, cổ phiếu của Nhiệt điện Phả Lại đã rớt giá tới 60%.

Nguyên nhân không phải do kế hoạch sản xuất kinh doanh thua lỗ mà do sự biến động về tỷ giá. Bằng chứng là lợi nhuận gộp của DN này luôn ổn định trong khoảng 1.100-1.300 tỷ VND. Thứ duy nhất biến động là chi phí tài chính, trong đó năm lỗ nhiều nhất là 2008 với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 1.500 tỷ VND.

Trên thế giới, gần đây nhất, việc Mỹ ép Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ lên sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng hóa TQ tại Mỹ, cụ thể là giá của hàng hóa TQ sẽ tăng lên và như vậy Mỹ sẽ được lợi vì giảm thâm hụt cán cân thương mại.

Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa hơn của việc tăng giá đồng NDT lại chính là bài học của Nhật Bản khi Mỹ và Đức trước đây ép nâng giá đồng Yên. Câu chuyện thực chất là về vốn chứ không phải là thương mại. Đồng Yên lên giá khiến cho việc xuất khẩu của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, kéo theo đó là đẩy cả nền kinh tế Nhật Bản vào tình trạng trì trệ.

Mặc dù sau đấy Nhật Bản vẫn xuất khẩu được, thậm chí còn xoay hướng sang xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao và hàm lượng khoa học công nghệ cao, nhưng thời điểm đó đồng Yên tăng lại đánh vào tài sản tài chính của Nhật Bản, vì khi thặng dư thương mại tăng thì Nhật Bản sẽ trở thành chủ nợ của Mỹ, và khi đó giá trị khoản nợ tính bằng tiền Yên là đi xuống, do vậy Nhật Bản mất đi gần một nửa khoản đầu tư tài chính thông qua xuất khẩu ấy. Đây mới thực sự là vấn đề nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng cần thấy, việc nâng giá đồng NDT mang lại rất nhiều lợi nhuận cho TQ. Đồng tiền nước nào mà lên giá so với các đồng tiền chủ chốt thì đem đi đầu tư ở đâu cũng có lợi thế. Vì vậy, ngay từ đầu TQ đã nhăm nhăm đầu tư vào Hy Lạp và nhiều nước khác, vừa giải quyết được vấn đề nguồn nguyên liệu lại tận dụng được sức mạnh của đồng NDT để đi đầu tư tài chính.

Dự trữ đồng đô la vẫn là an toàn nhất!

Tác động của sự thay đổi vị trí của đồng tiền là quá rõ ràng. Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hội nghị, hội thảo hay động thái nào phản ứng trước vấn đề này.

Sau khủng hoảng thế giới, vị trí của đồng đô la đang bị thách thức nghiêm trọng. Còn sau cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, vị trí của đồng Euro cũng có vấn đề, xu hướng đa dạng hóa phương tiện thanh toán và dự trữ đang được hình thành.

Cụ thể nhất là việc Trung Quốc thay vì mua đô la lại mua Yên Nhật làm đồng tiền dự trữ và mở rộng quy mô thanh toán và đầu tư bằng đồng nhân dân tệ.

Ở Việt Nam hiện nay có tới 90% giá trị thầu là của nhà đầu tư Trung Quốc, vì vậy khi đồng NDT lên giá thì TQ sẽ có nhiều lợi thế, thu được nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, họ sẽ tăng cường đầu tư, kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và máy móc tăng theo. Mặc dù giá tăng, những VN vẫn không thể chối bỏ được vì đây là những mặt hàng buộc phải nhập khẩu. Khi đó câu chuyện về thâm hụt cán cân thương mại là quá lớn.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện khoa học giá cả thị trường, việc dự trữ ngoại hối nào còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Đồng tiền mạnh hay yếu, an toàn hay không an toàn phụ thuộc và quy mô, thực lực của nền kinh tế. Do vậy, việc dự trữ ngoại hối nào cần phải cân nhắc, tính toán cẩn trọng.

Trên thế giới vị trí của nhiều đồng tiền đã có sự thay đổi, bằng chứng cụ thể nhất là vị thế của đồng NDT ngày càng được nâng lên. Kinh tế Trung Quốc đi lên, xuất siêu nhiều năm nên có nhiều dự trữ ngoại hối và TQ mua trái phiếu của Mỹ, do đó trở thành chủ nợ của Mỹ. Vì vậy, Mỹ mới có động thái ép TQ nâng giá đồng NDT nhằm hạn chế hàng hóa TQ nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

“Song sự thay đổi vị trí các đồng tiền này cũng chưa thực sự đáng lo ngại vì hiện nay trên thế giới 90% tiền thanh toán và 70% tiền dự trữ vẫn bằng đồng USD. Và nền kinh tế Mỹ vẫn chiếm ¼ GDP của nền kinh tế thế giới. Do vậy nắm giữ đồng đô vẫn được xem là đồng tiền an toàn”, ông Ánh nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc dự trữ ngoại hối còn phụ thuộc xem đối tác đầu tư, thương mại lớn đối với VN. Đối với các ngoại tệ này phải chọn đúng thời điểm để bán ra và nhập về thích hợp, tránh những rủi ro do thay đổi tỷ giá.

Nguồn: stockbiz

ĐỌC THÊM