Sau khi chứng kiến thị trường bùng nổ trong năm 2021, các doanh nghiệp thép đang bước vào giai đoạn "bên kia sườn dốc" của chu kỳ kinh doanh.
Thị trường tiêu thụ suy yếu và giá thép liên tục đi xuống là những yếu tố khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép lao dốc mạnh trong quý 2.2022.
Nhận định về những khó khăn của ngành thép trong quý 2 và quý 3 của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long có thể trở thành hiện thực khi báo cáo tài chính (BCTC) quý 2.2022 của các doanh nghiệp thép mới đây đã phản ánh được phần nào.
Giá thép tiếp tục lao dốc
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường thép đã chứng kiến nhiều biến động mạnh về giá. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, giá thép trong nước đã có 7 đợt tăng nóng và chạm mốc 19-19,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đà tăng này không bền vững. Đến đầu tháng 5, giá Thép xây dựng lại lao dốc 10 đợt liên tiếp, xuống còn khoảng 15,7-16,4 triệu đồng/tấn tùy loại và thương hiệu.
Nguyên nhân giá thép giảm chủ yếu do nhu cầu mặt hàng này suy yếu trên toàn cầu. Việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid và hệ quả quá trình kiểm soát bất động sản kéo theo giá giao dịch các sản phẩm thép giảm.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu Thép xây dựng liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Với việc dòng vốn cho thị trường này bị kiểm soát đã khiến nhu cầu thép giảm cũng kéo giá mặt hàng này giảm theo.
Ngoài ra, yếu tố giải ngân đầu tư công chậm cũng khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tình hình bán hàng Thép xây dựng của các doanh nghiệp. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép giảm cũng là nguyên nhân khiến giá thép trong nước liên tục giảm trong thời gian qua.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo điều chỉnh giá thép với mức giảm cao nhất lên tới 360.000 đồng/tấn. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, giá thép trong nước giảm 3,5 triệu đồng/tấn so với mức đỉnh hồi tháng 3.
Đơn cử, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc. Giá bán sau điều chỉnh của hai loại thép này là 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Nam, thương hiệu này giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, hiện ở mức 15,79 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210.000 đồng/tấn có mức giá 16,29 triệu đồng/tấn.
Việc giá thép giảm sẽ gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm khi hàng tồn kho giá rẻ được tiêu thụ hết, đặc biệt đối với các công ty thương mại thép.
Những tín hiệu ảm đạm của ngành thép
Sau hơn 1 năm ngành Thép xây dựng thăng hoa thì đến hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất thép đang có nhiều dấu hiệu "bên kia sườn đồi" của chu kỳ kinh doanh. Nhìn vào kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp vừa mới công bố có thể thấy dự báo của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã bắt đầu trở thành sự thật.
Tới thời điểm hiện tại, đã có 5 doanh nghiệp thép đầu tiên công bố tình hình sản xuất, kinh doanh của quý 2 với kết quả không mấy khả quan, lợi nhuận bị bào mòn tới 80-90%.
Đơn cử, CTCP Đầu tư Thương mại SMC vừa công bố BCTC quý 2 với doanh thu đạt 6.620 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 42,5 tỉ đồng, giảm tới gần 92% so với cùng kỳ năm 2021.
Lãnh đạo Thép SMC cho biết, do giá thép xu hướng giảm mạnh dẫn đến giá vốn cao tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến loại nhuận của doanh nghiệp này. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của thép SMC ở mức 13.250 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 123 tỉ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ.
Với CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel, do lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến công ty ngừng sản xuất, giá thép tồn kho tăng cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng giá vốn.
Điều này dẫn đến doanh thu quý 2 của doanh nghiệp này chỉ đạt 358 tỉ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ và lỗ 2,4 tỉ đồng và kéo kết quả hoạt động kinh doanh chung của công ty đi xuống.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.112 tỉ đồng, giảm 11,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 6,1 tỉ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng chung kết quả kinh doanh ảm đạm trong giai đoạn này còn có thép Mê Lin và Gang thép Cao Bằng. Việc bán hàng thép chậm đã làm ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm theo việc kiểm soát tín dụng bất động sản, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận của 2 doanh nghiệp này giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần của Gang thép Cao Bằng trong quý 2 chỉ đạt 499 tỉ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán ghi nhận chiếm tới 460 tỉ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm tới 88% xuống còn 17,7 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lãi sau thuế của Gang thép Cao Bằng chỉ còn vỏn vẹn 43 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021.
Với Thép Mê Lin, doanh thu trong quý 2 đạt hơn 162 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng bán lại chiếm 148 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp ở mức hơn 13,5 tỉ đồng, giảm đến 64%.
Bên cạnh đó, do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao khiến lợi nhuận của Thép Mê Lin trong quý 2 vỏn vẹn chỉ hơn gần 1,7 tỉ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm lãi giảm 68% còn vỏn vẹn hơn 12 tỉ đồng.
Giá thép liên tục giảm cùng với thị trường tiêu thụ mặt hàng này suy yếu cùng lãi suất tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là lãi vay tăng cao là những khó khăn của Gang thép Thái Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2022.
Phía Gang thép Thái Nguyên cho biết, doanh thu quý 2 của doanh nghiệp này đạt 3.190 tỉ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, với việc giá vốn bán hàng ở mức cao, lên đến hơn 3.140 tỉ đồng khiến lợi nhuận gộp sụt giảm 90% chỉ còn 46,6 tỉ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, Gang thép Thái Nguyên chỉ lãi ròng xấp xỉ 6 tỉ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với việc giá thép nối dài đà giảm và nhu cầu về mặt hàng này chưa có dấu hiệu hồi phục, triển vọng ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong những quý tới.
Nguồn tin: CafeLand