Tâm điểm chú ý trong tuần qua (12-18/9) vẫn là vấn đề nợ công châu Âu và nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Trong đó, hội nghị các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu diễn ra ở Ba Lan với sự tham dự lần đầu tiên của Mỹ trong tư cách khách mời, được giới đầu tư và phân tích kinh tế thế giới đặc biệt quan tâm.
Phát biểu tại hội nghị hôm 16/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan Jacek Rostowski nói: “Chúng ta nên nhận thức về nguy cơ của cuộc chiến này bởi nó không chỉ liên quan tới “thể trạng” của thế hệ hiện nay hay kế tiếp, mà còn về việc chúng ta chiến đấu cho sự an toàn của thế hệ hiện nay và thế hệ mai sau.
"Nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu bị chia rẽ, Liên minh châu Âu cũng khó thoát khỏi cảnh bị chia rẽ. Khó có thể tưởng tượng rằng châu Âu được an toàn như hiện nay mà lại không có Liên minh châu Âu”, ông Rostowski nói thêm.
Tuy nhiên, hội nghị kết thúc ngày 17/9 chỉ bao gồm việc nhất trí kế hoạch siết chặt kỷ luật ngân sách trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Kế hoạch mang tên "sáu gói" gồm sáu văn bản luật đã được Ủy ban châu Âu đề nghị từ một năm trước. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là những biện pháp trừng phạt các nước có thâm thủng ngân sách trên 3% GDP.
Việc giải cứu Hy Lạp, theo Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu Jean-Claude Juncker, khoản tiền cứu trợ tiếp theo trị giá 8 tỷ Euro (khoảng 11 tỷ USD) cho Hy Lạp sẽ được quyết định trong tháng 10 năm nay. Lý do trì hoãn khoản cứu trợ, vốn được xem là cấp thiết trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng này, là để các quan chức hữu quan có thời gian kiểm tra việc Hy Lạp thực hiện cam kết cải cách.
Như vậy, nói một cách khác, sau hội nghị này, Hy Lạp không có được triển vọng sáng sủa hơn trước trong việc giải quyết vấn đề nợ công mà thậm chí có thể phải đối phó với những điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Bởi lẽ, nếu không được các quan chức hữu quan chấp thuận về khả năng thực thi cải cách, khả năng gói cứu trợ tiếp theo sẽ khó thành hiện thực.
Nhiều tờ báo châu Âu như Libération và Le Figaro của Pháp đã bày tỏ thái độ bất bình về sự chần chừ của châu Âu. Theo các báo này dẫn phân tích của giới kinh tế học, trong bối cảnh khu vực đồng Euro đang bị đe dọa như hiện nay, 17 quốc gia thành viên không những không đưa ra được giải pháp trấn an thị trường, mà còn lại công khai cãi vã với nhau về những biện pháp đã được thông qua.
Cuộc họp cho thấy sự phân hóa sâu sắc giữa các thành viên Liên minh châu Âu bởi những ý kiến đơn phương của một số thành viên. Chẳng hạn như Phần Lan đồng ý đóng góp tài chính giúp Hy Lạp, nhưng lại đặt điều kiện riêng, không theo quyết định chung. Hay trong chuyện đánh thuế các giao dịch tài chính, Đức, Pháp, Bỉ, Luxemburg và Áo sốt sắng, trong khi Anh, Italy và Thụy Điển thì ngần ngại.
Ngoài ra, hội nghị cũng làm nổi bật sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và châu Âu. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner với tư cách khách mời đã đề nghị các nước châu Âu tăng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu (ESSF). Ông khẳng định, phải đổ thêm tiền vào quỹ cứu trợ và đừng đẩy Hy Lạp vào bước đường cùng, vì Hy Lạp vỡ nợ thì không một quốc gia nào thoát nạn.
Mối lo âu này đã được chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo hồi đầu tuần, khi nói rằng: "Hy Lạp là mối lo đầu tiên, nhưng nếu Italia và Tây Ban Nha bị thị trường tài chính tấn công thì tình thế sẽ nghiêm trọng hơn”.
Tuy nhiên, tuyên bố và những sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã không được những người đồng cấp châu Âu hoan nghênh. Bộ trưởng Đức đã bác bỏ ngay tức khắc đề nghị của ông Geithner và nói Berlin không thể tiếp tục bắt người dân đóng thuế để thực hiện mục tiêu này. Berlin đề nghị đánh thuế vào các khoản giao dịch chứng khoán, kể cả trên thị trường Mỹ, để tăng khả năng can thiệp của ESSF.
Sự khó chịu của các nước châu Âu đối với sự "chỉ dạy" của ông Geithner còn được thể hiện qua lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Áo Maria Fekter rằng: “Thật là khác thường khi người Mỹ còn có vấn đề tồi tệ hơn Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vậy mà họ lại chỉ bảo chúng tôi nên làm gì”. Còn Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet thì cho rằng, “tôi không hiểu rõ ông ta muốn nói gì”.
Mặc dù cuộc họp không thành công như mong đợi, song theo giới phân tích cũng có tác động tốt tới tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường. Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng Rockwell Global Capital ở New York, cho biết điều cốt yếu là các quốc gia công nghiệp đã cố gắng thuyết phục thị trường đồng Euro vẫn tồn tại, khu vực đồng Euro không tan rã và Hy Lạp có thể không vỡ nợ.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh như hiện nay, sự thuyết phục này dù nhỏ cũng rất quan trọng. Chẳng thế mà, nhiều chuyên gia phân tích đã đưa ra nhận định rằng giá vàng trong tuần này sẽ giảm, bởi các lý do như điều chỉnh kỹ thuật, nỗi lo về châu Âu được xoa dịu và giới đầu cơ chuyển tiền vào các tài sản khác như chứng khoán hay hàng hóa.
Kết quả cuộc khảo sát dư luận của Kitco với 28 nhà phân tích, thương nhân, ngân hàng đầu tư về xu hướng giá vàng tuần này cho thấy, 15 người dự báo giá giảm, trong khi có 9 người dự báo giá sẽ tăng và 4 ý kiến thị trường đi ngang. Tom Pawlicki, chuyên gia phân tích kim loại quý của MFGlobal cho rằng, khả năng giá vàng sẽ xuống vùng 1.750 USD/ounce.
Còn theo Mark Leibovit, chiến lược gia của VRGold Trader.com, “tôi e rằng, nhiều chỉ báo cho thấy giá vàng có thể xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.702 USD/ounce, dù không phải là ngay trong tuần này, nhưng điều này sẽ sớm xảy ra. Khối lượng giao dịch đang suy giảm và điều này có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tuần này”. Tuần qua, giá vàng bốc hơi gần 2,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 5.
Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lạc quan với giá vàng trong dài hạn, khi cho rằng nỗi lo châu Âu giảm bớt chỉ là tạm thời, về lâu dài nó vẫn sẽ làm nhức nhối thị trường. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố bất kỳ gói kích thích kinh tế nào tại phiên họp kéo dài 2 ngày trong tuần này, thì sẽ đẩy giá vàng tăng tốc.
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tăng mạnh nhất kể từ tháng 6; thị trường nhà đất vẫn đóng băng; hàng tồn kho nhiều; người tiêu dùng vẫn thắt chặt hầu bao... là những minh chứng cụ thể cho thấy kinh tế Mỹ tuy đang phục hồi nhưng vẫn khá mỏng manh. Đây là lý do khiến không ít chuyên gia kinh tế nghĩ rằng, FED sẽ sớm hành động để tránh đẩy Mỹ vào suy thoái.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp ở Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/9 là 428.000 người, tăng 11.000 người so với tuần trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng tới 0,4% so với tháng 7 trong khi kim ngạch bán lẻ không thay đổi. Số lượng nhà bị tịch thu do chủ sở hữu không còn khả năng trả nợ trong tháng 8/2011 tiếp tục tăng ở mức 7%.
Song theo kết quả thăm dò được tờ Wall Street Journal công bố ngày 16/9, trong số 56 chuyên gia kinh tế được hỏi ý kiến, dựa trên 10 chỉ số cơ bản nhất, có 13% khẳng định nước Mỹ đã ở trong một cuộc suy thoái mới; 29% xác định kinh tế Mỹ sẽ lại rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, so với cách đây một tháng chỉ có 17% dự báo tình huống này.
Nguồn tin: Stockbiz