Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Việt Nam có thể phát triển công nghiệp thép bền vững

Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng những nhà máy thép hiện đại song song với kiểm soát môi trường. Đó là nhận xét của Tổng Giám đốc Tata Steel, ông Hermant M. Nerurkar.

Việc Công ty Thép Tata Steel (Ấn Độ) đang xúc tiến xây dựng dự án thép với vốn đầu tư dự kiến 5 tỉ USD ở Hà Tĩnh đã cho thấy sự quan tâm của Hãng đối với ngành thép Việt Nam. NCĐT đã trao đổi với ông Hermant M. Nerurkar, Tổng Giám đốc Tata Steel, đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010, về vấn đề này, cũng như những kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.

 

Năm ngoái, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn một lãnh đạo cấp cao của Tata Steel. Ông ấy muốn xúc tiến nhanh dự án thép có công suất 4,6 triệu tấn mỗi năm ở Hà Tĩnh, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai?

 

Chúng tôi muốn xác định chắc chắn về trữ lượng quặng sắt ở đây và đã hoàn thành công đoạn đó. Chúng tôi không muốn vội vàng xây nhà máy thép chỉ với những thông tin nửa vời, không chắc chắn. Bởi lẽ, đầu tư nhà máy thép đòi hỏi vốn lớn và một khi đã đầu tư thì không thể rút lui. Vì thế, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện dự án. Hiện tại, chúng tôi chờ tỉnh Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam bàn giao mặt bằng.

Có thể xây dựng một nền công nghiệp thép hiện đại, không gây ô nhiễm và bền vững hơn tại Việt Nam hay không?

Việt Nam rất may mắn, vì các bạn sắp xây dựng những nhà máy thép hiện đại và mọi thứ, trong đó có công nghệ, hầu như đều đã sẵn sàng.

Ông có thể giải thích rõ hơn?

Ngày nay, chúng ta có thể xây dựng các nhà máy thép hiện đại, với các biện pháp kiểm soát môi trường và kỹ thuật luyện thép tiên tiến. Nếu xây dựng nhà máy thép cách đây 30 năm, ngoài việc đầu tư trang thiết bị nhà máy, chúng ta còn phải đầu tư riêng lẻ thêm cho việc kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Nghĩa là chúng ta đã có thể lập ra một kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng nhà máy hiện đại lẫn kiểm soát môi trường.

Ông có cho rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ tham gia tích cực hơn vào ngành công nghiệp thép hiện đại?

Chắc chắn là thế. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển công nghệ thép. Thời kỳ thép chỉ là ngành công nghiệp quốc doanh đã qua lâu lắm rồi. Ngày nay, tư nhân điều hành các nhà máy thép và phát triển ngành công nghiệp này.

Ông có thể giới thiệu về dòng xe giá rẻ Nano của Tata Motors?

Nhu cầu tiêu dùng loại xe này tại Ấn Độ rất cao và Tata Motors chưa thể đáp ứng kịp. Do đó, Công ty vừa khai trương một nhà máy mới ở thành phố Sanand, bang Gujarat. Nhà máy sẽ đi vào sản xuất từ tháng 7.2010 với công suất 250.000-300.000 chiếc mỗi năm.

Đó là xe dành cho thị trường nội địa?

Đúng vậy. Xe Nano dành cho thị trường châu Âu và các thị trường khác thì cần phải có động cơ với các tiêu chuẩn khác như sử dụng nhiều thép mạ kim hơn, chẳng hạn.

Tata sẽ mang xe Nano đến Việt Nam?

Tata Motors sẽ đến đây để nghiên cứu thị trường. Như tôi đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, Tata Motors rất quan tâm tới việc tham gia vào công cuộc phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang theo dõi tiến triển của dự án thép Tata tại đây. Nếu thành công, chắc chắn sẽ có nhiều công ty thuộc Tập đoàn Tata đầu tư vào Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, với việc cán cân quyền lực đang dần nghiêng về phương Đông, Ấn Độ đã xác định “hướng Đông” là chính sách quan trọng, trong đó có việc phát triển mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Nguồn tin: NCĐT

ĐỌC THÊM