Việt Nam là nước đang phát triển thuộc danh sách các nước được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập do đó Việt Nam được loại trừ khỏi biện pháp tự vệ chính thức đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Canada.
Ngành thép “vượt ải” biện pháp tự vệ từ Canada. (Ảnh TL)
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Vừa qua, Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) đã công bố báo cáo cuối cùng trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với một số sản phẩm thép.
Theo đó, CITT kết luận các sản phẩm thép không hợp kim cán phẳng, cán nóng dạng cuộn (có các mã HS 7208.51.00.10; 7208.51.00.93; 7208.51.00.94; 7208.51.00.95; 7208.52.00.10; 7208.52.00.93; 7208.52.00.96) và các sản phẩm dây thép không gỉ (có mã HS 7223.00.00.10; 7223.00.00.20) nhập khẩu từ các nước (ngoại trừ Hàn Quốc, Panama, Peru, Colombia, Honduras và các nước được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập) sẽ bị áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) trong thời kỳ 3 năm.
Lý do là bởi các sản phẩm này có sự gia tăng nhập khẩu đáng kể và là nguyên nhân gây ra thiệt hại/đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Các nhóm sản phẩm còn lại không bị áp dụng biện pháp do CITT xác định không có sự gia tăng nhập khẩu/không tồn tại thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.
CITT cho biết sẽ loại trừ các sản phẩm nhập khẩu và có xuất xứ từ các nước đang phát triển hưởng Thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP- General Preferential Tariff) trong trường hợp: (i) Lượng nhập khẩu hàng hoá bị điều tra từ các nước này nhỏ hơn 3% tổng lượng nhập khẩu hàng hoá bị điều tra vào Canada và (ii) tổng lượng nhập khẩu hàng hoá bị điều tra từ các nước trong nhóm (iii) không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu hàng hoá bị điều tra vào Canada.
Trước đó, ngày 11/10/2018, CITT đã thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu theo quy định tại Điều 20(a) của Đạo luật Toà án thương mại quốc tế Canada đối với 7 nhóm sản phẩm thép với thời kỳ điều tra từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/1/2018.
Nguồn tin: Công luận