Tăng trưởng xanh là thuật ngữ để mô tả con đường tăng trưởng kinh tế sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này, trong đó có Việt Nam.
Đây cũng được coi là chương trình toàn diện, tạo hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
EU đi đầu về thúc đẩy tăng trưởng xanh
Từ những năm 1970 của thế kỷ XX, xu hướng phát triển kinh tế tại châu Âu đã có sự thay đổi theo hướng thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2002 - 2006, EU đã chi hơn 30 tỷ Euro cho các dự án phát triển tăng trưởng xanh tại các nước thành viên của khối. Đến tháng 3/2009, EU đưa ra chương trình dài hạn “Chính sách gắn kết châu Âu” với ngân sách đầu tư lên tới 105 tỷ Euro cho các dự án phát triển kinh tế tăng trưởng xanh.
Khoảng một nửa gói ngân sách này (54 tỷ EUR) dành cho việc giúp đỡ các chính phủ thành viên EU tuân thủ hệ thống pháp luật về môi trường của EU. Phần còn lại sử dụng để đạt được các mục tiêu khí hậu và tạo ra nền kinh tế có lượng các-bon thấp, đặc biệt trong đó có dành riêng 28 tỷ Euro cho việc cải thiện nguồn nước và quản lý rác thải.
Trong Luật Bảo vệ môi trường của EU có đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm 20% lượng khí nhà kính. Để đạt mục tiêu này, EU sử dụng nguồn ngân sách trị giá 0,5% GDP của toàn khối. Ngoài ra, các nước EU còn áp dụng chế độ cấp hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp. Theo đó, từ năm 2013 trở đi EU bán đấu giá khoảng 60% giấy phép hạn ngạch khí thải trong lĩnh vực năng lượng và đến 2020 tất cả các công ty công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải trừ một số ngành như luyện kim, xi măng, hóa chất.
Ngày 4/10/2016 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã tán thành việc phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu. Bằng hành động phê chuẩn này, EU đã chính thức kích hoạt hiệu lực của Thỏa thuận Paris trên phạm vi toàn cầu. Liên minh châu Âu đã có vai trò quyết định trong việc xây dựng tham vọng chung giúp đạt được Thỏa thuận Paris vào cuối tháng 12 năm ngoái và liên tục là người đi đầu trong việc hành động chống biến đổi khí hậu thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tầm nhìn tăng trưởng xanh của Việt Nam
Tại Việt Nam, chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa qua việc ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với 3 mục tiêu cụ thể dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược cũng đã đề ra 3 nhóm nhiệm vụ quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Kế hoạch hành động bao gồm 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.
Thực hiện phê duyệt của Chính phủ, hiện Việt Nam đã có 5 bộ, gần 30 tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và đang triển khai trên các mặt: Huy động nguồn lực, tăng cường thể chế chính sách, tăng cường năng lực, đổi mới công nghệ. Quan trọng hơn là nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai và đem lại kết quả đáng khích lệ cũng như bài học quý giá.
EVFTA thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Bruno Angelet cho biết, với vai trò là tổ chức đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn cầu, EU khẳng định tăng trưởng kinh tế có thể đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính và mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam cùng có những mục tiêu chung này.
Các chuyên gia của EU và Việt Nam đều có chung nhận định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến, hiện đại hóa công nghệ, nhờ đó đẩy mạnh năng suất và tăng đầu ra trong nhiều ngành sản xuất. Đồng thời, thúc đẩy năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Hiệp định này cũng mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch và tăng trưởng xanh. Hiện các DN EU đầu tư tăng trưởng xanh hướng tới 4 nhóm chính là: Năng lượng tái tạo; tiết kiệm năng lượng; công trình bền vững; xử lý nước và rác thải. Đây là những lĩnh vực hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển theo hướng bền vững của Việt Nam.
Đáng chú ý trong EVFTA có đề cập khá chi tiết tới các quy định về thương mại và phát triển bền vững (gồm 18 điều), bao gồm cam kết với các tiêu chuẩn chính trong công ước của Tổ chức Lao động quốc tế cũng như các hiệp định môi trường đa phương. Cả hai bên khẳng định cam kết của mình để theo đuổi phát triển bền vững, mà các hành động chính, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, là phụ thuộc lẫn nhau và củng cố lẫn nhau.
Ngoài ra, Hiệp định còn thúc đẩy thương mại và đầu tư về sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch không tái tạo và bền vững. Theo đó, mức thuế sẽ được cắt giảm hoặc bỏ cho các sản phẩm có liên quan cho khu vực này. Tất cả các bên liên quan sẽ phải tập trung các cơ chế pháp lý để điều tiết trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, sinh khối).
Nguồn tin: Vinanet