Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Việt Nam không ngại vụ kiện phá giá thép của Ấn Độ

Một ngày trước thời hạn cuối cùng (29-4) mà phía Tổng vụ tự vệ - Bộ Tài chính Ấn Độ yêu cầu các nước bị kiện phá giá thép phải đăng ký làm bị đơn tự nguyện để giải quyết vụ việc, Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng không nhiều lo ngại. 

Hiệp hội thép Việt Nam đã gửi văn bản đến Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam, đầu mối thông tin với phía Ấn Độ, để trả lời những thông tin liên quan đến việc nước này ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép cuộn, thép tấm và thép xẻ băng cán nóng mà Việt Nam cùng 15 quốc gia khác xuất vào thị trường này.

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (28-4), Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho rằng lý do đầu tiên mà Việt Nam không lo ngại là vì Việt Nam không sản xuất các mặt hàng nêu trên nên các thành viên hiệp hội không thể giải trình với tư cách bị đơn tự nguyện như Ấn Độ yêu cầu.

Trên thực tế, chỉ ở thời điểm những tháng cuối năm 2008, một số công ty thương mại nhập khẩu các mặt hàng trên với số lượng lớn, nhưng do giá thép hạ nên đã tái xuất ra nước ngoài, trong đó có Ấn Độ.

“Các công ty thương mại không phải là thành viên của Hiệp hội thép nên chúng tôi không quản lý được. Hơn nữa, chỉ những trường hợp kiện phá giá đối với nhà sản xuất thì các doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm, phần còn lại khó khởi động điều tra các công ty thương mại được vì việc này chỉ mang tính thời điểm, không phải là một quá trình cạnh tranh kéo dài”, ông Cường giải thích.

Mặt khác, Việt Nam nhập thép và các sản phẩm liên quan đến thép nhiều hơn là xuất khẩu thép sang thị trường Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Cường cũng nhận định việc một lượng thép tấm, thép cuộn cán nóng được doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam bán ra nước ngoài ở thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009 với giá khoảng 500 đô la Mỹ/tấn là quá rẻ và gây khó cho các nhà sản xuất nội địa ở các nước đó, tương tự vấn đề nhập thép Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu thép Trung Quốc, tin từ Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, thép xây dựng phi 6, phi 8 và phi 10 của Trung Quốc và phân đạm u-rê đang là hai mặt hàng được doanh nghiệp tập kết sẵn và tìm đối tác bán sang Việt Nam vì nhu cầu hai mặt hàng đang có những dấu hiệu tăng.

“Chúng tôi cũng nắm được thông tin về lượng thép xây dựng khoảng 100.000 tấn đang tập kết ở cửa khẩu và bán sang Việt Nam với mức chào giá thấp hơn thép trong nước khoảng 700.000 đồng/tấn (thép trong nước bán khoảng 10,7 triệu đồng/tấn thì thép Trung Quốc bán giá hơn 9 triệu đồng)”, ông Cường nói thêm. Nhưng các nhà sản xuất thép trong nước tỏ ra không lo ngại vì lượng hàng đó không nhiều, cũng không phải là lượng hàng đột xuất mà luôn là nguồn cung có sẵn trong nhiều thời điểm từ trước đến nay nếu thị trường Việt Nam cần.

Vấn đề, theo ông Cường, là nếu hàng rào thuế và hải quan chặt chẽ, lượng hàng hóa nói trên không gây xáo trộn đến thị trường thép xây dựng trong nước.

(VietStock)

ĐỌC THÊM