Kết quả này có được là nhờ kim ngạch thương mại song phương năm 2016 của Việt Nam – Myanmar ước đạt 536 triệu USD, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Ngài Than Myint, Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar đã dẫn đầu đoàn công tác sang thăm, làm việc tại Việt Nam từ ngày 07 đến ngày 11 tháng 01 năm 2017. Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm, hai Bộ trưởng đã có buổi hội đàm chiều ngày 09 tháng 01 năm 2017 tại trụ sở Bộ Công Thương.
Tại buổi Hội đàm giữa hai Bộ trưởng, hai Bên đã trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề trong hợp tác kinh tế, thương mại mà hai Bên cùng quan tâm.
Hai Bộ trưởng vui mừng nhận thấy những kết quả đáng khích lệ thời gian qua trong quan hệ hợp tác nói chung và quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước nói riêng. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Myanmar ước đạt 536 triệu USD, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.
Cho rằng dư địa tăng trưởng thương mại song phương còn rất lớn, hai Bộ trưởng đã thống nhất một loạt các biện pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất, thương mại của hai nước gồm:
Tăng cường hơn nữa hợp tác xúc tiến thương mại giữa hai nước;
Phát huy vai trò của hành lang kinh tế Đông – Tây về tạo thuận lợi thương mại cũng như giảm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ giữa hai nước;
Tiếp tục duy trì cơ chế họp Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Myanmar, tổ chức kỳ họp lần thứ 9 Tiểu ban hỗn hợp thương mại tại Hà Nội cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm 2017;
Tiếp tục phát huy vai trò và tác dụng của cơ chế hợp tác CLVM đối với tăng trưởng thương mại song phương cũng như đóng góp vào quá trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao đổi, đề nghị Bộ trưởng Than Myint hỗ trợ một số vấn đề cụ thể như sau:
Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xi măng - mặt hàng Myanmar có nhu cầu lớn và Việt Nam có thế mạnh và thu hẹp danh mục các mặt hàng yêu cầu giấy phép nhập khẩu (không tự động) khi xuất khẩu vào Myanmar, đặc biệt là thanh long Việt Nam;
Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép nhập khẩu máy móc, vật tư, thiết bị cho Hoàng Anh – Gia Lai thực hiện giai đoạn 2 của dự án phức hợp Myanmar Centre tại Yangon, Viettel Myanmar thực hiện dự án đầu tư mạng viễn thông thứ 4 tại Myanmar (dự kiến cấp phép đầu tư trong tháng 01 năm 2017);
Có ý kiến với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Myanmar bãi bỏ yêu cầu ký quỹ 40 triệu USD cho chi nhánh BIDV Yangon, góp phần tháo gỡ khó khăn, mở rộng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của BIDV Yangon. Bộ trưởng Than Myint ghi nhận các vấn đề trên để xem xét hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, hai Bộ trưởng cũng đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về mô hình tăng trưởng, phát triển xuất khẩu và chính sách phát triển đặc khu kinh tế của hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar cùng đoàn công tác cũng đã đến thăm làm việc với Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Vietrade), Bộ Công Thương và sẽ tiếp tục thăm làm việc với một số Hiệp hội/doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam.
Tính hết năm 2016, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 538 triệu USD, tăng 24% so với năm 2015 và đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Myanmar. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar ước đạt 456 triệu USD, tăng 20,4% so với năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Myanmar ước đạt 82 triệu USD, tăng 45,2% so với năm 2015.
Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar gồm: sản phẩm từ sắt thép, thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, sản phẩm chất dẻo, hàng dệt may. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu cao su nguyên liệu, gỗ và lâm sản, nông sản, thủy sản từ Myanmar.
Nguồn tin: Vinanet