Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc).
Vụ điều tra bắt nguồn từ việc Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình - chiếm 80% thị phần inox tại Việt Nam gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Thép không gỉ được ứng dụng vào ngành sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa bát, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm..., các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng, dụng cụ làm bếp, bộ đồ ăn. Mức thuế nhập đang áp cho mặt hàng này là 0-10%.
Việt Nam lần đầu tiên điều tra chống bán phá giá thép ngoại. Ảnh: Inoxsana
Theo 2 doanh nghiệp trên, giá thép không gỉ nhập khẩu từ các nước này thấp hơn 25% sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Điều này đã tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước như công suất giảm, tỷ lệ thua lỗ tăng cao, doanh thu giảm, giảm giá bán, lượng hàng tồn kho tăng...
Trong khi đây là lần đầu tiên Việt Nam điều tra chống bán phá giá thép nhập ngoại, thì tại thị trường nước ngoài, thép Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra chống bán phá giá 3 lần bao gồm sản phẩm ống thép hàn cácbon, mắc áo bằng thép và ống thép hàn chịu lực không gỉ. |
Tuy nhiên, hơn 20 doanh nghiệp trong ngành thép lại đưa ra ý kiến trái ngược với Posco VST và Hòa Bình vì cho rằng áp thuế chống bán phá giá sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước. "Nếu áp thuế chống bán phá giá thì giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng vọt lên, khi đó Posco VST và Hòa Bình có thể chi phối giá trên thị trường, doanh nghiệp trong nước phải đi theo giá của họ. Điều này sẽ khiến nhiều đơn vị không thể sống nổi", đại diện một doanh nghiệp thép tại miền Nam cho biết.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) cho rằng, việc doanh nghiệp này kiện và doanh nghiệp khác không đồng tình là "tất yếu". "Quyền lợi giữa doanh nghiệp chuyên nhập thép không gỉ cán nguội về làm các sản phẩm và doanh nghiệp đầu tư công nghệ để sản xuất sẽ khác nhau, nên sẽ nảy sinh việc có đơn vị đồng tình và không đồng tình với vụ kiện", ông nói.
Bên cạnh đó, theo đại diện VSA, đây là lần đầu tiên Việt Nam điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép nhập ngoại, vì còn khá mới nên cũng cần thời gian xem xét.
Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, giai đoạn điều tra chống bán phá giá là từ ngày 1/4/2012 đến ngày 31/3/2013. Kết luận cuối cùng của cuộc điều tra sẽ được công bố trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định khởi xướng điều tra (từ 2/7/2013), trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm nhưng không quá 6 tháng.
Nguồn tin: vnExpress