Ngày 5/10/2016, Tập đoàn Than đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Lục Hải (Thẩm Quyến, Trung Quốc) về việc Công ty này mua than lâu dài của TKV.
Thông tin trên được đăng tải trên trang tin của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Theo biên bản ghi nhớ, hai bên bắt đầu việc hợp tác mua bán than antraxit Việt Nam (Than Vàng Danh), cho thị trường Trung Quốc và các nước trên thế giới. Mỗi năm, dự kiến Công ty Lục Hải sẽ mua của TKV từ 2,5 đến 3 triệu tấn các loại theo giá thị trường.
Ký biên bản ghi nhớ bán than Vàng Danh cho Trung Quốc.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, giữa Công ty Lục Hải và TKV trước đây đã là đối tác tốt với nhau nhưng có một thời gian bị gián đoạn về hợp tác do các chính sách vĩ mô.
Nhưng qua sự kiện trên, ông Hải tin tưởng chắc chắn rằng sau bản ghi nhớ này, hai bên sẽ có sự hợp tác mới tốt đẹp hơn và là đối tác tin cậy của nhau. Phía TKV sẽ nỗ lực cao để cung cấp than đạt yêu cầu của Công ty Lục Hải.
Công ty Lục Hải là doanh nghiệp đã ký kết mua bán than với Tập đoàn từ năm 2008 và là một trong những khách hàng nhập khẩu than lớn của TKV. Tuy nhiên, từ năm 2014, do chính sách vĩ mô nên chuyện hợp tác giữa hai bên bị gián đoạn.
Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD. Trong khi đó, cả năm 2015, Việt Nam chỉ phải nhập 500.000 tấn về phục vụ nhu cầu trong nước.
Về thị trường, Nga vẫn là thị trường nhập than nhiều nhất của Việt Nam, với 2,8 triệu tấn, kế đến là Indonesia 1,8 triệu tấn và Trung Quốc 1,4 triệu tấn. Dù là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng giá than nhập từ Nga khá thấp, khoảng 63 USD một tấn, Indonesia 44 USD/tấn. Giá than nhập khẩu từ Trung Quốc cao nhất với 71 USD/tấn, gấp gần 2 lần so với than nhập từ Indonesia và hơn 1 lần than nhập từ Nga. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, nhất là khi từ đầu năm đến hết tháng 7/2016, giá than xuất khẩu trung bình của thế giới dao động khoảng 50 - 54 USD/tấn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng phải chăng ta đã “mua đắt” than từ Trung Quốc.
Vì sao than Trung Quốc giá cao?
Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, chỉ nhìn vào giá bình quân mà kết luận giá than Trung Quốc đắt là phiến diện. Thay vào đó, phải phân tích cụ thể nhiều yếu tố như thời điểm, khối lượng nhập, nguồn nhập khẩu, cự ly vận chuyển và chất lượng, chủng loại than.
Từ đầu năm đến nay, giá than biến động cực mạnh. Giá than nhiệt tăng 20 - 30% so với đầu năm; riêng than mỡ tăng hơn gấp đôi, từ 70 - 80 USD/tấn lên trên 200 USD/tấn hiện nay. Chất lượng than cũng rất khác nhau dẫn đến giá cả khác nhau. Than nhập từ Indonesia thường có chất lượng kém nhất, giá rẻ nhất, tới 20 - 30% so với than tiêu chuẩn. Trong khi than từ Trung Quốc chất lượng khá cao, giá bình thường bán ở Trung Quốc đã cao hơn than nhập khẩu nên bán sang Việt Nam đương nhiên phải cao hơn giá bán trong Trung Quốc, hoặc cao hơn than nhập khẩu của Việt Nam. Về chi phí vận chuyển, do Indonesia gần miền Nam nước ta hơn nên ở khu vực này nếu nhập khẩu than từ Indonesia sẽ có tổng chi phí (giá CIF giao tận cảng nhập khẩu) thấp hơn so với nhập từ Trung Quốc hoặc than Nga.
Nhập khẩu than tăng đột biến cũng là điều dễ hiểu. Do yếu tố khoảng cách, các nhà máy nhiệt điện phía Nam nhập than của Indonesia còn rẻ hơn mua của TKV và vận chuyển từ miền Bắc vào. Vì thế, họ có xu hướng nhập khẩu than hơn là sử dụng than trong nước.
Hơn nữa, trong bối cảnh giá than thế giới rớt thê thảm như năm trước và nửa đầu năm nay, giá than trong nước lại không hạ thì việc các hộ dùng than trong nước chuyển nhập khẩu than là hợp lý. Một chuyên gia kinh tế bình luận: “Ở thời điểm này, giá bán than cho các hộ dùng than trong nước của TKV vẫn cao hơn giá than nhập khẩu”.
Chẳng hạn, giá than giao tại nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 hiện nay là 1,8 triệu đồng/tấn, trong khi nếu nhập than về chỉ phải trả 1,7 triệu đồng/tấn. Vì vậy, các hộ dùng than lớn như các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sản xuất thép đã tăng cường nhập khẩu để tiết kiệm chi phí đầu vào, thay vì phải mua của TKV.
Nguồn tin: VietQ