Ngành than phải hạch toán giá thành bằng cách tiết kiệm tối đa các chi phí, các nhân công không cần thiết để đảm bảo giá bán than hợp lý nhất.
Bắt buộc phải nhập than
Tại hội nghị cấp cao ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam và Đối thoại chính sách, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ một nước xuất khẩu than hàng đầu, nhưng đến nay Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu mặt hàng này.
Theo Bộ trưởng, ban đầu chúng ta nhập khẩu từ 5-7 triệu tấn than, nhưng sẽ tiếp tục tăng lên khoảng vài ba chục triệu tấn và nhiều hơn nữa trong những thập kỷ tới.
Nguyên nhân là do sự hạn hẹp và sự giới hạn của nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có than đá.
Chia sẻ với Đất Việt với về đề này, GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Hội địa hóa Việt Nam thừa nhận thời gian qua chúng ta đã phải nhập khẩu một lượng than lớn từ nước ngoài vào để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, trong đó có Indonesia.
Tuy nhiên vị chuyên gia cho rằng nói Việt Nam là một nước xuất khẩu than hàng đầu thì chưa hoàn toàn đúng.
Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiều than từ nước ngoài. Ảnh minh họa
“Việt Nam có xuất than sang Trung Quốc do nước này dùng than để sản xuất điện. Tuy nhiên với công nghệ khai thác lạc hậu, máy móc vẫn từ thời xưa thì chúng ta không thể ra được nhiều than xuất khẩu như tuyên bố được”, ông Thuận nhấn mạnh.
Cùng nêu ý kiến, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam khẳng định, tính đến thời điểm này, chúng ta đã nhập khẩu lên tới 20 triệu tấn than từ nước ngoài và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng thêm.
Theo quy hoạch điện 7, đến năm 2020 Việt Nam phải nhập đến 50 triệu tấn than. Năm 2030 con số trên là 80 triệu tấn.
Lý giải hiện tượng này, vị chuyên gia phân tích: “Hiện nay than của Việt Nam khai thác ở độ sâu trên 300 m với công nghệ bán thủ công và bán cơ giới. Cơ giới chiếm 28% còn lại là thủ công.
Tuy nhiên không phải đào xuống độ sâu như vậy là lấy được than. Chúng ta phải đục khoét sâu hàng cây số mới lấy được than ra.
Do quá trình khai thác bằng công nghệ lạc hậu và ở độ sâu như vậy nên giá thành sản xuất ra lên tới 1,6-1,7 triệu/ tấn than, cao hơn than nhập khẩu (1,2 -1,3 triệu/tấn).
Thứ hai, than của Việt Nam phần lớn là than cám 6, than Antraxit. Trước đây với công nghệ hơi cũ thì chúng ta dùng được than cám 6, chẳng hạn như: nhiệt điện Phả Lại 1, Phả Lại 2, Phú Mỹ cũ, Đông Triều... Tuy nhiên hiện nay công nghệ lò hơi khác nên phải dùng than cám 5 A hoặc 5 B để vận hành các nhà máy Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải...
Trong khi đó số lượng than cám 5 của Việt Nam sản xuất ra ít, chỉ chiếm khoảng 10 triệu tấn than đổ lại. Do đó chúng ta bắt buộc phải nhập khẩu than từ nước ngoài về”.
Theo tính toán của ông Ngãi, hiện nay số lượng than cám 6 của Việt Nam tồn kho khoảng trên 9 triệu tấn. Đây là loại than chất lượng kém nên không thể xuất khẩu cũng như không dùng được trong các ngành công nghiệp hay nhiệt điện trong nước.
Để khắc phục tình trạng này, lâu nay Chính phủ chủ trương nhập khẩu than cám 4 ở nước ngoài về trộn với than cám 6 còn tồn dư trong nước để tạo thành than cám 5 A hoặc 5B sử dụng cho các nhà máy điện đang vận hành và sắp vận hành.
Đối với than cám 4 và cám 5 trong nước sản xuất được, chúng ta cũng không xuất khẩu mà ưu tiên để cải thiện chất lượng than còn tồn dư.
Ngành than phải giảm giá bán, giảm nhân công
Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ, lượng than của Việt Nam hiện nay ở Quảng Ninh theo tính toán tổng quát của các nhà khoa học chỉ còn khoảng 1 vài tỷ tấn, chứ không nhiều.
Hơn nữa than sông Hồng dự báo trữ lượng lớn nhưng chúng ta chưa thể khai thác được.
“Ngoài các nhà máy nhiệt điện hiện nay, chúng ta còn lên kế hoạch phát triển khoảng 10 dự án nữa nhằm đưa công suất của ngành điện từ than lên tới 46 % trong tổng số sản lượng điện quốc gia.
Với công suất khai thác hàng năm lên tới 40 triệu tấn than, chỉ khoảng 20 năm nữa là hết nguồn tài nguyên. Do đó các Bộ, ngành phải vạch ra 1 kế hoạch hợp lý để tiếp tục khai thác than, để bán hết than khai thác ra, không để tồn kho”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề nghị ngành than phải hạch toán giá thành bằng cách tiết kiệm tối đa các chi phí, các nhân công không cần thiết để đảm bảo giá bán than hợp lý nhất, có thể cạnh tranh với than nhập khẩu.
“Ngành than phải giảm bớt số lượng người, nâng cao năng suất lao động lên để hạ giá than cám 6 xuống 1,3-1,4 triệu/tấn (bằng với than nhập khẩu) để doanh nghiệp mua trộn với than cám 4 thành than cám 5 trong sản xuất nhiệt điện.
Khi giá thành giảm thì ngành công nghiệp khác như: sản xuất gạch, xi măng cũng sẽ mua. Từ đó chúng ta sẽ giảm được lượng than tồn kho xuống”, ông Ngãi nêu quan điểm.
Trong khi đó, GS.TSKH Đặng Trung Thuận cũng cho rằng với điều kiện và chất lượng than của Việt Nam hiện nay, việc tăng cường nhập khẩu than từ nước ngoài trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi.
Ông Thuận đề nghị cần phải cân đối lượng than nhập khẩu và sản xuất trong nước để tạo ra sự hài hòa, thuận tiện trong sản xuất cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
“Nếu Việt Nam nhập máy móc hiện đại về thì chắc chắn chất lượng than sẽ được nâng lên. Tuy nhiên tiền đâu để chúng ta nhập? Việc này hết sức tốn kém.
Thứ hai, đã nhập công nghệ thì phải sử dụng lâu dài. Tuy nhiên than của chúng ta một thời gian ngắn nữa sẽ hết, công nghệ mua về không có điều kiện sử dụng lâu dài. Nếu quyết tâm nhập về sẽ lãng phí, trở thành gánh nợ cho xã hội”, ông Thuận nhấn mạnh.
Nguồn tin: Đất việt